Hà Nội sẽ có đô thị hoa

Cập nhật 19/11/2009 10:20

Trong đề án thì Đô thị mới Mê Linh sẽ là thành phố của cây và hoa và với nét đặc trưng của "đô thị hoa" nên trục Thăng Long - Nội Bài sẽ được dành hành lang mỗi bên đường 20m để trồng hoa.

Trong đề án thì Đô thị mới Mê Linh sẽ là thành phố của cây và hoa và với nét đặc trưng của "đô thị hoa" nên trục Thăng Long - Nội Bài sẽ được dành hành lang mỗi bên đường 20m để trồng hoa.

Ngày 17/11, Bộ Xây dựng và nhà tư vấn đã báo cáo Thường trực Thành Ủy Hà Nội "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050". Theo đề án quy hoạch thì đến 2030 ngoài đô thị hạt nhân (nội thành Hà Nội hiện nay) Hà Nội sẽ xây dựng thêm 5 đô thị vệ tinh lớn và 3 đô thị nhỏ.

Thành phố cây và hoa

Theo đề xuất của nhà tư vấn, mô hình phát triển theo hướng đô thị hạt nhân cộng với 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) và 3 đô thị hỗ trợ cho các khu vực sản xuất nông nghiệp và cụm làng nghề là điểm nhấn trong quy hoạch chung của Hà Nội trong tương lai. Đề án cũng đề ra ý tưởng hành lang xanh với mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên 4 yếu tố cấu thành quan trọng là đất đai, con người, di sản và tăng trưởng.

Trong đó, Hoà Lạc sẽ là khu vực lớn nhất trong số các đô thị mới với dân số dự kiến đến 2030 ít nhất là 700 nghìn người, Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao sẽ được bố trí ở trung tâm Hòa Lạc và sẽ vòng quanh trung tâm đô thị chính của cộng đồng mới này cũng như hệ thống giao thông và đường bộ Bắc Nam chính thông qua cộng đồng. Thành phố vệ tinh sẽ là đối tượng phục vụ của đường cao tốc Láng - Hòa Lạc cũng như đại lộ Thăng Long chạy từ vành đai 4 đến quốc lộ 21 theo hướng Tây. "Đại lộ tinh thần" này dự kiến bao gồm một loạt di tích lịch sử quan trọng của Việt Nam.

Đề án quy hoạch cũng đề xuất 3 đô thị nhỏ mới hoặc mở rộng ở các giao lộ chính ở 3 đường cao tốc của TP đi đến các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai. Tại đây những cao tốc này sẽ giao với đường cảnh quan Bắc Nam chạy dọc hành lang xanh. Những đô thị nhỏ này sẽ là những khu phát triển bền vững, mật độ thấp, có chức năng như những trung tâm của làng trong vành đai xanh. Việc quy hoạch các đô thị nhỏ này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đô thị hóa quanh các khu làng.

Đặc biệt trong đề án thì Đô thị mới Mê Linh sẽ là thành phố của cây và hoa và với nét đặc trưng của "đô thị hoa" nên trục Thăng Long - Nội Bài sẽ được dành hành lang mỗi bên đường 20m để trồng hoa.

Nhà tư vấn cũng có khuyến nghị về quy hoạch sông Hồng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải đặt quy hoạch trong tổng thể chiều dài 42km, đồng thời phải nghiên cứu kỹ phương án thoát lũ, sự kết nối giữa 2 bờ, không gian công cộng cho người dân, quy mô phù hợp với quy mô phát triển của Thủ đô và làm sao giảm thiểu tối đa việc di dân.

Về việc chọn địa điểm xây dựng sân bay dự phòng cho Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, Thủ tướng chính phủ đã cho ý kiến sẽ nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và việc cần thiết phải xây dựng một sân bay dự phòng cho Hà Nội. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng sân bay dự phòng không nhất thiết phải ở Thủ đô. Nhưng sau khi làm việc với một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương... và tham khảo ý kiến của Cục hàng không thì thấy nên nghiên cứu phương án xây dựng sân bay dự phòng tại Ứng Hòa (Hà Nội).

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đây là báo cáo lần 3 của đề án, theo đúng kế hoạch thì đề án sẽ được Bộ Xây báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2010 để đề án được thông qua trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010). Sau đó, mô hình quy hoạch Hà Nội mới sẽ được trưng bày công khai tại Cung Quy hoạch (đang được xây dựng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình) để mọi người dân Thủ đô và nhân dân cả nước tham quan, góp ý.

Diện mạo thủ đô năm 2050

Cũng trong ngày 17/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, UBND thành phố Hà Nội đã nghe Viện Chiến lược Quốc gia trình bày báo cáo dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030 mà Viện chiến lược đề ra, đến năm 2030, Hà Nội có nền kinh tế hiện đại, năng động và có tính cạnh tranh cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3-5 nằm năm 2020 và duy trì vị trí thứ 1-2 trong suốt thời kỳ 2011-2030.

Về kinh tế, đề xuất của Viện chiến lược là Hà Nội sẽ tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững với mức GDP bình quân hàng năm là 9-10%/năm thời kỳ 2011-2020 và 8,0-9,0% trong thời kỳ từ 2021 - 2030. GDP theo giá so sánh năm 2020 tăng khoảng 2,5-2,7 lần so với năm 2010 và năm 2030 tăng 2,2-2,4 lần so với năm 2020. Đóng góp của Hà Nội vào GDP cả nước năm 2020 đạt khoảng 16,0% và năm 2030 là khoảng 18,0%. Khi đó, Hà Nội sẽ đứng thứ hạng trên trung bình (khoảng thứ 61-62) trong số 150 thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất Thế giới.

Tính toán của Viện chiến lược dự tính, GDP bình quần đầu người năm 2020 đạt khoảng 5.300-5.500 USD và đến năm 2030 đạt 11.000-12.000 USD. Thu nhập của người dân sẽ tăng 2,6-2,8 lần trong thời kỳ 2011 - 2020 và 2,3-2,5 lần trong thời kỳ 2021-2030. Như vậy, nếu so thu nhập của năm 2030 với hiện tại thì sẽ tăng khoảng 4,9-5,3 lần.

Về Qui mô dân số, Viện chiến lược dự tính, đến năm 2020, Hà Nội đạt khoảng 7,9 triệu người và đạt 9,5 triệu người vào năm 2030 (hiện nay là 6,5 triệu người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt trên 75% và kỳ vọng đạt đến 90% vào năm 2030… Đặc biệt, theo chiến lược phát triển TP đến năm 2030 của Viện Chiến lược thì khi đó, tỷ lệ đô thị hoá sẽ đạt khoảng 67-70%...

 

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình