Hà Nội sắp có nhiều căn hộ siêu rẻ

Cập nhật 24/04/2009 09:35

Sau khi Vinaconex công bố bán căn hộ dưới 200 triệu đồng, HUD, Viglacera, Công ty Xây dựng Hà Nội cũng tính chuyện nhảy vào thị trường nhà giá rẻ. Các doanh nghiệp ai nấy đều có chiến lược riêng...

Sau khi Vinaconex công bố bán căn hộ dưới 200 triệu đồng, HUD, Viglacera, Công ty Xây dựng Hà Nội cũng tính chuyện nhảy vào thị trường nhà giá rẻ. Các doanh nghiệp ai nấy đều có chiến lược riêng để hạ đầu vào xuống mức thấp nhất để kiếm lời.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố tung ra thị trường nhà rộng 50 m2 giá không quá 200 triệu đồng. Ngay sau đó, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đăng ký với Bộ Xây dựng khoảng hơn 4.000 căn hộ nhà giá thấp tại Mê Linh (Hà Nội). Không chịu thua, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) đang gấp rút chuẩn bị khởi công hơn 200 căn hộ, có diện tích từ 40 đến 60 m2 với giá 200- 300 triệu tại Bắc Ninh, Gia Lâm vào cuối tháng 4 này. Công ty Xây dựng Hà Nội "bật mí" sẽ tung ra thị trường những căn hộ với giá rẻ... không tưởng.

Nhiều người nghi ngờ tính khả thi của dự án, khi các tổng công ty, tập đoàn lớn triển khai xây dựng nhà giá rẻ. Họ cho rằng doanh nghiệp làm chỉ để lấy tiếng và hưởng lợi các cơ chế. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cho biết sẽ tận dụng chiến thuật riêng để hạ “đầu vào” xuống mức tối đa nhằm thu lãi “đầu ra”. Cụ thể, Vinaconex phát huy thế mạnh về công nghệ bê tông dưỡng lực, HUD là chuyên gia xây lắp còn Viglacera lại có tiềm lực về nguyên vật liệu xây dựng...

Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Hà Nội cho biết nhà giá rẻ có thể thành ngôi nhà thân thiện nhờ tiến bộ khoa học, công nghệ. Thiết bị bê tông lắp ghép, vật liệu nhẹ, kết cấu hỗn hợp bê tông - thép hình có thể giúp trọng lượng công trình giảm 40-50%. Cách bố trí cửa, hệ thống thông gió để tiết kiệm tối đa nhiên vật liệu và biến nhà giá rẻ thành... siêu rẻ. Tận dụng các nguyên vật liệu được khai thác từ thiên nhiên, phế thải như tro xỉ, rơm rạ, xơ dừa làm bê tông độn trấu, bê tông độn xỉ... có thể tiết kiệm chi phí tối đa. "Chúng tôi sẽ xây nhà giá rẻ dựa vào những công nghệ đặc biệt để biến nhà giá rẻ thành siêu rẻ, rẻ tới mức khách hàng sẽ không thể tưởng tượng được", ông Tiến nói.

Ngoài ra, theo ông Tiến, nhà giá rẻ cần phải được đi vào hoạt động theo quy mô thống nhất từ trên xuống. Quỹ nhà ở sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước và người dân đóng góp dần theo hình thức cổ đông. Nếu có đơn vị kiểm soát chuyên biệt gồm kỹ sư trưởng, nhà quản lý tài chính, mô hình nhà giá rẻ sẽ giảm bớt những tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Hiện Bộ Xây dựng đề xuất mức lãi dự kiến tối đa 10% cho các dự án nhà giá thấp, song theo tính toán của nhiều doanh nghiệp họ vẫn có thể thu lãi cao hơn nếu biết vận dụng triệt để ưu thế. Hiện giá xây lắp trung bình khoảng 3,5 triệu mỗi m2. Tính trung bình một căn hộ 50 m2 giá thành xây dựng mất khoảng gần 180 triệu. Nếu doanh nghiệp bán khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng vẫn thu lãi. Ông Đào Đình Thi, Giám đốc Viglacera Land cho hay: “Vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp sẽ phải tận dụng tối đa tiềm lực của mình để làm sao khâu thiết kế thi công và xây dựng có mức chi phí thấp nhất. Vận dụng "cây nhà lá vườn" là các công ty con để cung cấp nguyên vật liệu, chúng tôi sẽ hạ giá thành của các căn hộ này tới mức tối đa mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình”, ông Thi nhận định.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, hoặc những người kinh doanh nhỏ lẻ, nhà giá rẻ cũng được khai thác triệt để dưới hình thức thuê, mua lại những căn nhà khoảng 4, 5 tầng nằm sâu trong ngõ rồi chỉnh sửa, chia cắt cho thuê lại. Đối tượng của các khu này chủ yếu là sinh viên, hoặc những người mới ra trường có mức thu nhập khoảng 2,3 triệu. Với mỗi căn hộ có diện tích 12- 25 m2 tiền thuê hàng tháng chỉ mất khoảng 1,2 triệu. Các căn hộ này có công trình phụ khép kín, có gác xép, với đầy đủ truyền hình cáp, Internet miễn phí, nơi để xe và bảo vệ trông 24/24.

Ông Nguyễn Đức Trình, văn phòng bất động sản Alohouse cho biết, các chủ đầu tư thường đua nhau hạ giá thành để thu hút người thuê. Bởi chỉ cần chênh một vài giá là khách hàng sẵn sàng bỏ thuê nơi khác. "Những người kinh doanh theo hình thức này lấy lãi dựa trên mô hình "tích tiểu thành đại", lãi mẹ bù lãi con" để kiếm lời", ông Trình nói.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay ở chỗ chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng quá lớn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nhà giá rẻ chỉ thành hiện thực khi khi Nhà nước làm cơ sở hạ tầng, giải quyết tất cả các khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp doanh nghiệp làm cơ sở hạ tầng thì chi phí đó phải được chuyển sang tính lãi cho nhà ở thương mại. Còn phía người mua lại lo lắng nhà giá rẻ ở quá xa trung tâm khiến người có công ăn việc làm ở nội thành sẽ không thể mua nhà nếu việc đi lại gặp khó khăn. Ngoài ra, chất lượng công trình cũng là một vấn đề khiến nhiều người nghi ngại.

Giải đáp khúc mắc này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, chất lượng công trình phụ thuộc độ bền vững và kỹ năng hoàn thiện như tường vôi, cửa giả… Để tránh trường hợp khách hàng không nghi ngờ chất lượng công trình, chủ đầu tư có thể giao cho người mua được quyền giám sát. Cũng theo ông Liêm, một số khu đất dự án ở nội thành đang bị dừng lại thì Nhà nước có thể chuyển đổi mục đích sử dụng xây nhà giá rẻ. “Những người có thu nhập thấp không thể ở những khu như The Manor, Ciputra nhưng chúng ta phải phân bố đều để người giàu và người nghèo xen kẽ. Không để người thu nhập thấp ở những khu quá xa được”, ông Liêm nói.

Trao đổi với VnExpress.net, Thứ tưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, tín hiệu các doanh nghiệp lớn chủ động xây nhà giá rẻ là động thái đáng mừng thúc đẩy thị trường bất động sản ấm dần lên. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế đất, ngoài ra Chính phủ còn khuyến khích địa phương trích tiền ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành cung cấp miễn phí các thiết bị điển hình, giải pháp công nghệ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư. “Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở. Phía Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo một số cơ quan thiết kế mẫu nhà phù hợp cho các doanh nghiệp tham khảo”, ông Nam nói.

Theo tính toán của Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2010, Hà Nội cần 7 triệu m2 nhà ở, tương đương 120.000 căn hộ, cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn. Nhu cầu nhà ở của đối tượng cán bộ, công chức là khoảng 18.000 căn hộ, trong đó nhu cầu nhà ở cho thuê, thuê mua chiếm khoảng 20-30%, tương đương khoảng 3.600 - 5.400 căn hộ.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress