Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã tái giám sát kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo” tồn tại trên địa bàn quận Tây Hồ và phường Tứ Liên. Thực chất thì vấn dề nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội là tồn tại từ nhiều năm nay, không chỉ ở một quận nào.
Nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn khó xử lý dứt điểm
|
1. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, tính từ tháng 6-2012 đến nay, trên địa bàn quận có 408 công trình xây dựng, đồng thời quận cũng phải xử lý dỡ bỏ 187 lượt trường hợp dựng lều lán, nhà tạm ngoài bãi. Còn theo Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Nguyễn Văn Quang, cũng trong thời này, trên địa bàn phường đã xử lý 8 công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiện cấp phép. Còn các trường hợp vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước như lền lán để dụng cụ sản xuất nông nghiệp sau đó biến thành nhà ở… phường đã tiến hành rà soát, lập kế hoạch và sẽ tổ chức thực hiện trong quý III này.
Về các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo”, chủ yếu tồn tại từ trước, 11 trường hợp tại phường Bưởi do sinh sống đã lâu, quận đã báo cáo TP cho phép tồn tại và vẫn đang trong quá trình chờ trả lời của UBND TP. Còn 23 trường hợp khác tập trung ở 2 phường Bưởi và Thụy Khuê đang được quận cam kết xử lý dứt điểm trong quý III. Tuy nhiên, theo lãnh đạo quận, khó khăn nhất khi xử lý nhà siêu mỏng siêu méo chính là do thiếu kinh phí đền bù, nên sự tồn tại của những ngôi nhà này vẫn kéo dài.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo” là việc khó, do lịch sử để lại. "Nếu không có sự đeo bám quyết liệt sẽ khó hoàn thành trong quý III/2013 như dự kiến”, ông Nam nhận định.
2. Tuy nhiên, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội thì thành phố đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành xử lý dứt điểm tất cả các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn trong quý III/2013.
Theo báo cáo của 13 quận, huyện có nhà "siêu mỏng, siêu méo”, đến hết tháng 3-20013, đã xử lý được 389/597 trường hợp, trong đó có 2 huyện là Gia Lâm và Thanh Trì đã hoàn thành việc xử lý các trường hợp này. Còn lại 208 trường hợp trên địa bàn 9 quận, huyện chưa giải quyết được.
Cụ thể, quận Ba Đình còn 69 trường hợp đã phân loại xử lý, trong đó thu hồi 34 trường hợp. Quận Đống Đa còn 27 trường hợp; quận Hai Bà Trưng còn 19 trường hợp, trong đó 11 trường hợp đang thỏa thuận hợp khối, 8 trường hợp lên phương án thu hồi. Quận Tây Hồ cũng còn 23 trường hợp, đều là các công trình cấp 4 đã được lên phương án thu hồi nhưng việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, đang được đề xuất chuyển sang hình thức cải tạo chỉnh trang thành những ki-ốt một tầng...
Được biết, theo quy định của UBND TP Hà Nội, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m không được phép xây dựng. Nhưng nhiều năm nay, những ngôi nhà cao tầng siêu mỏng, siêu nhỏ- thậm chí chỉ rộng 5m2 vẫn "vươn mình”.
Thực tế thì nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội được hình thành từ thực tiễn, do nhu cầu chỗ ở của người dân. Căn nhà đó cũng có thể hình thành từ sau giải phóng mặt bằng, nhưng không lấy hết, vẫn còn một diện tích nhỏ. Từ đó người dân làm nhà cao tầng, rất mỏng, đôi khi là rất méo.
Những căn nhà đó mọc lên còn do chúng có vị trí thuận tiện, có thể mở cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê. Đây là là một thực tế cần nhìn nhận khách quan, thì mới "thuận hòa” khi xử lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết