Hà Nội quyết “tuýt còi” dự án nhà thương mại nội đô

Cập nhật 03/07/2013 13:56

Trước thực trạng thừa nhà ở thương mại, trong tương lai Hà Nội sẽ không cấp phép cho những dự án trong nội đô.

Trước thực trạng thừa nhà ở thương mại, trong tương lai Hà Nội sẽ không cấp phép cho những dự án trong nội đô.

Sáng 3/7, theo đánh giá của UBND TP trong những năm qua, giá nhà ở tại Hà Nội luôn bị đẩy cao dẫn đến việc tiếp cận nhà ở của một bộ phận lớn dân cư trở nên khó khăn. Tình trạng xây dựng đầu cơ BĐS luôn diễn biến khó lường.

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân trên toàn thành phố là 23,1 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 26,6 m2/người; giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%, nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 89,7%. Đồng thời tiếp tục thực hiện triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn.

Hà Nội đưa mục tiêu xây dựng 72 nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp. (Ảnh: LD)

Đến năm 2020, mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3 m2/người. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 5 triệu m2 sàn, tương đương 72 nghìn căn hộ, nhà ở cho công nhân khoảng 400 nghìn và đối tượng sinh viên khoảng 130 nghìn chỗ ở.

Lo ngại về tính khả thi trong mục tiêu phát triển nhà ở, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại biểu huyện Quốc Oai cho rằng mục tiêu đạt 5 triệu m2 sàn nhà ở cho người thu nhập thấp khó đạt được, vì trong bối cảnh hiện nay thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế từ trước tới giờ chưa năm nào Hà Nội tăng được 3 triệu m2 mỗi năm. Vì thế ông đề nghị cần phải xem lại mục tiêu để khi đưa ra có thể thực hiện được không.

Bên cạnh đó ông Tuấn cũng đề nghị cần xem lại chủ trương dừng cấp phép cho loại hình nhà ở thương mại vì nhà ở thương mại phụ thuộc vào yếu tố cung cầu. Ngoài ra việc dừng phát triển nhà ở thương mại còn ảnh hưởng đến quỹ đất 20% nhà ở xã hội và việc thu ngân sách.

Từ những ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua kiểm tra thấy lượng hàng tồn kho nhà ở thương mại còn rất lớn, gây mất cân đối. Xuất phát từ thực tế nhà thương mại đang thừa nên Hà Nội mới đưa ra chủ trương dừng một số dự án nhưng không phải dừng toàn bộ.

“Chúng tôi chỉ đề xuất dừng các dự án nhà ở thương mại trong nội đô. Còn các dự án thương mại khác không ảnh hưởng đến mật độ dân cư, có tính khả thi, đáp ứng được cầu thì thành phố vẫn cho phát triển” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng việc hạn chế ở đây là theo khu vực và tính khả thi dự án chứ không phải hạn chế tràn lan. Những dự án khả thi thành phố vẫn khuyến khích phát triển.

Theo tính toán, hiện Hà Nội sau khi hợp nhất có khoảng 370 dự án với trên 5000 ha đất. Vì thế Giám đốc Sở Xây dựng cho việc hạn chế rất cần thiết, tránh thừa nhà ở và có thể xem xét chuyển đổi các dự án nhà thương mại sang nhà xã hội.

Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, ông Hùng cho biết sẽ bổ sung vào chương trình. Hiện thành phố đang xây dựng quy chế quản lý đô thị, qua đó việc phát triển phải theo quy hoạch.

Đối với tính khả thi về diện tích nhà ở, người đứng đầu ngành xây dựng Hà Nội thừa nhận BĐS đang gặp nhiều khó khăn nhưng mục tiêu phát triển nhà ở được xây dựng theo lộ trình kế hoạch lâu dài. Ngoài ra ông Hùng cũng tính toán với dự án hiện có thì đã có để đáp ứng được mục tiêu đề ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet