Hà Nội nỗ lực hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho dân

Cập nhật 18/12/2013 15:48

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2014 hoàn thành xong công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2014 hoàn thành xong công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương mới đảm bảo đẩy nhanh được tiến độ.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đủ điều kiện để được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố là gần 7.500ha; nhu cầu đất dịch vụ phải giao là gần 860ha (bao gồm cả diện tích đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật), với hơn 83.000 hộ.

Tính đến hết tháng 11, tổng diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi mới đạt 508ha; còn thiếu khoảng 320ha.

Đáng lưu ý, đến nay, toàn thành phố mới có 20.115 hộ dân được giao đất dịch vụ (đạt 24%) và trong số này chỉ có 11.115 hộ nhận đất dịch vụ với diện tích 87ha, còn lại 9.000 hộ dân tại huyện Mê Linh thực hiện nhận tiền thay nhận đất dịch vụ (diện tích khoảng 30ha).

Sở Kế hoạch Kiến trúc thành phố cũng cho biết để bổ sung quỹ đất dịch vụ còn thiếu, Sở đã thống nhất địa điểm ở các quận, huyện, thị xã với 89 khu đất dịch vụ, diện tích khoảng gần 400ha phù hợp với quy hoạch; 17 khu đất (khoảng 126,5ha) cần phải điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với quy hoạch; 6 khu đất (khoảng 13,5ha) khác đang trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ dân là nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật quỹ đất dịch vụ.

Mặc dù thành phố đã giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động ứng vốn ngân sách để thực hiện dự án, phần còn thiếu (sau khi thu tiền sử dụng đất của các hộ được giao đất) được ngân sách thành phố cân đối, cấp bù theo quy định; đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách thì chủ đầu tư dự án phải chi trả bù kinh phí trên, song đến nay kết quả thực hiện còn rất hạn chế do chưa bố trí đủ nguồn vốn thực hiện.

Hơn nữa, một số dự án phải tạm dừng rà soát và điều chỉnh theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt.

Đối với một số vướng mắc ở thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh), thành phố đã chỉ đạo không giải quyết đất dịch vụ đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 25/5/2004. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Mê Linh chưa tách được diện tích đất thu hồi trước và sau ngày 25/5/2004 do không có hồ sơ chi tiết về giải phóng mặt bằng. Ủy ban Nhân dân huyện đã đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp hồ sơ.

Huyện Hoài Đức cũng đang bị ảnh hưởng bởi quy hoạch phân khu đến diện tích khu đất dịch vụ tại các dự án (do sự chồng lấn về quy hoạch)...

Để đảm bảo đến ngày 30/6/2014 hoàn thành xong công tác công tác giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải chủ động xây dựng kế hoạch, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng đủ nhu cầu giao đất dịch vụ, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn đồng thời, tiếp tục liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc để thống nhất địa điểm đất dịch vụ còn thiếu. Trường hợp vướng mắc về quy hoạch, các đơn vị chức năng tổng hợp trình thành phố quyết định.

Đối với khu đất đã có quy hoạch, chủ trương đầu tư và các dự án đầu tư được duyệt, thành phố đề nghị các địa phương triển khai ngay công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Đối với khu đất đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, các địa phương tiến hành lập phương án giao đất và tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ dân.

Với một số khu đất đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật khung (đường giao thông), thành phố cho phép lập phương án giao đất và tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ dân song song với việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo dự án được duyệt.

Ngoài ra, thành phố cũng tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã rà soát các khu đất đấu giá kém hiệu quả, không có người tham gia, đề xuất thành phố cho phép chuyển sang đất dịch vụ giao cho các hộ dân, góp phần giảm ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Với chủ trương và các giải pháp kiên quyết nhưng cũng rất linh hoạt trên, thành phố Hà Nội khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách giao đất ở, đất dịch vụ cho dân trên tinh thần tôn trọng và thực hiện đúng các chính sách, phương án giao đất đã phê duyệt cho các hộ dân trước khi hợp nhất về Thủ đô.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN