Hà Nội nên cẩn trọng với “đại quy hoạch treo”

Cập nhật 20/04/2010 16:10

Về quy mô đô thị, tư vấn đã dự báo quy mô dân số Thủ đô đến năm 2030 là gần 10 triệu dân, trong đó có 6,4 triệu dân đô thị; đến năm 2050 là 15 triệu dân, trong đó có 12 triệu dân đô thị và dân số của đô thị trung tâm 4,8 triệu.

Nếu thực hiện không tốt, Hà Nội có thể phải đối mặt với một đại quy hoạch treo lớn nhất từ trước đến nay.


Quy hoạch chung Thủ đô hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Đó là quan ngại của PGS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, xung quanh đồ án quy hoạch Thủ đô đang được Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội hoàn tất trình Thủ tướng phê duyệt.

Trao đổi với báo chí, ông Hanh nói:

Thực tế thì liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các ý kiến kết luận của Thủ tướng, ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và chuyên gia. Những tiếp thu, điều chỉnh và thay đổi trong báo cáo lần 3 của tư vấn và các cơ quan quản lý cần được đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung bất cập cần được bàn luận thêm.

Về quy mô đô thị, tư vấn đã dự báo quy mô dân số Thủ đô đến năm 2030 là gần 10 triệu dân, trong đó có 6,4 triệu dân đô thị; đến năm 2050 là 15 triệu dân, trong đó có 12 triệu dân đô thị và dân số của đô thị trung tâm 4,8 triệu.

Với dự báo này, nguy cơ có thể xảy ra cho Hà Nội là sớm trở thành một “siêu thành phố” không bền vững, khó đạt được các tiêu chí xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

* Hiện có ý kiến lo ngại rằng, sự “can thiệp” của doanh nghiệp vào quy hoạch Thủ đô là không nhỏ. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Đúng là có nhiều quy hoạch hiện nay không hợp lý. Có quy hoạch được duyệt ban đầu có các chỉ tiêu cộng đồng, môi trường xung quanh, nhưng khi thực hiện lại vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp. Quy hoạch đầu tiên là phải phục vụ cho môi trường, cho cộng đồng. Do đó, nếu vấn đề xuất phát từ nhân dân, từ chính quyền thì sẽ tốt hơn nhiều.

Sự can thiệp của doanh nghiệp vào các quy hoạch có thể thấy rõ nhất qua vụ việc làm con đường 19/12. Quy hoạch ban đầu là một con đường thông thoáng, nhưng vào tay doanh nghiệp, họ đề xuất xây dựng một trung tâm ở đó. Rất may, nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của các nhà khoa học và nhân dân nên kế hoạch này đã phải dừng lại. Ngoài ra, vụ việc xây dựng khách sạn trong công viên Thống Nhất cũng là một minh chứng.

* Trong quy hoạch Thủ đô, hiện vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều về địa điểm đặt trung tâm hành chính quốc gia. Cá nhân ông thì sao?


Ngay cả đề xuất mới nhất, tôi cho rằng phía tư vấn vẫn chưa làm rõ được cơ sở khoa học và sự cần thiết của việc xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tập trung, tách biệt với đô thị trung tâm có quy mô 200 ha.

Trước mắt, việc bố trí trung tâm này tại Mỹ Đình và lâu dài tại Hòa Lạc cần được xem xét thêm tính hợp lý của vị trí và khả năng quỹ đất.

Trong Chiếu dời đô năm 1010 từ Hoa Lư về thành Đại La, vua Lý Công Uẩn đã chỉ rõ mục đích dời đô là “đóng ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính thế lâu dài cho con cháu đời sau”.

Từ đó, cho thấy trung tâm hành chính quốc gia thích hợp nhất vẫn là bố trí ở đô thị trung tâm, có thể gần khu vực Hồ Tây, là nơi linh thiêng của Thủ đô và đất nước.

* Còn trục Thăng Long - một hạng mục giữ vị trí quan trọng trong cả về tâm linh và kinh tế xã hội của Thủ đô thì sao?


Tôi cũng thấy rất đáng phải bàn, nếu là trục tâm linh - văn hóa thì tại sao không nối Hà Nội trung tâm với các cố đô Văn Lang, Hoa Lư, Cổ Loa hoặc các kinh đô cổ ở phía Tây Hà Nội như Cực Lạc, Sài Sơn, Trấn Sơn Đồng, Phong Châu..., mà lại nối với Ba Vì?

Còn nếu là trục giao thông thì vừa không cần thiết, vừa tốn kém. Ngay cả một lãnh đạo thành phố cũng đã thừa nhận “nếu để giải quyết vấn đề giao thông thì cần tính tới lâu dài, vì trục Thăng Long so với đường 32 hay đường Láng - Hòa Lạc có những đoạn chỉ cách nhau chưa đầy 3 km, trong khi để xây dựng trục này phải tốn đến 10.000 tỷ đồng”.

Thêm vào đó, trục Thăng Long nếu được xây dựng sẽ hợp với đường vành đai 4 tạo thành một “cung tên”, "bắn" vào khu Hòa Lạc, nơi tư vấn dự kiến bố trí trung tâm hành chính quốc gia.

Theo thuật phong thủy, những đại lộ thẳng, những xa lộ sẽ thúc đẩy luồng khí quá nhanh chóng dẫn đến nguy hiểm. Điều này được biết như là luồng khí dạng mũi tên, hoặc luồng khí tiêu diệt. Đây lại là điều cấm kỵ trong phong thủy.

* Vậy ông nghĩ sao về tính khả thi của quy hoạch chung này?


Với dự tính từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần 34.000 ha đất sạch để phát triển và 160 tỷ USD để đầu tư cho hàng trăm dự án, hạng mục công trình để xây dựng một thành phố có qui mô lớn gấp 3 - 4 lần hiện tại thì đúng là một nhiệm vụ nặng nề và khó thực hiện.

Đối với các quận trung tâm của thành phố, sau khi quy hoạch chung đã được Thủ tướng duyệt năm 1998, Bộ Xây dựng và thành phố đã quyết tâm giảm quy mô dân số xuống khoảng 0,8 triệu người tại khu vực này.

Nhưng sau 12 năm thực hiện quy hoạch, mục tiêu đó chẳng những không thực hiện được mà khu vực trung tâm thành phố còn bị chất tải thêm một cách nghiêm trọng.

Một “đại thủ đô” có quy mô khổng lồ, với một lượng vốn đầu tư rất lớn, với nhiều hạng mục công trình vĩ đại của thế kỷ luôn là kỳ vọng, ước muốn của nhiều nước, nhiều người.

Nhưng hãy tìm “cái lớn về chất” cho Thủ đô lịch sử 1.000 năm tuổi ở những khía cạnh khác, nếu không, tự chúng ta sẽ mâu thuẫn với chính mình.

Đó cũng là lý do vì sao tôi quan ngại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đang báo trước một "đại quy hoạch treo", nếu chúng ta không cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy