Hà Nội: Mua bán nhà chỉ cần đến công chứng

Cập nhật 12/08/2013 15:01

Việc liên thông “ba trong một” thủ tục giao dịch nhà đất: công chứng - thuế - đăng ký quyền sử dụng đất sẽ rút ngắn 1/3 thời gian, tiết kiệm 30% chi phí làm thủ tục.

Việc liên thông “ba trong một” thủ tục giao dịch nhà đất: công chứng - thuế - đăng ký quyền sử dụng đất sẽ rút ngắn 1/3 thời gian, tiết kiệm 30% chi phí làm thủ tục.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Xuân Phương đã trao đổiphóng viên những nội dung chính của đề xuất này.

* Phóng viên: Mô hình liên thông giao dịch nhà đất “một cửa” sẽ đem lại những hiệu quả gì, thưa ông?

 Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Xuân Phương: Hiện nay một số người dân, doanh nghiệp không có thời gian để trực tiếp lui tới các cơ quan nhà nước để làm các thủ tục liên quan trong giao dịch nhà đất (đi công chứng, đi khai thuế, nộp thuế, đăng ký) nên có nhu cầu ủy quyền cho công chứng, luật sư, người thân đi làm thay và trả thù lao. Với mô hình thủ tục giao dịch nhà đất “một cửa” mà chúng tôi đề xuất, họ chỉ cần có mặt để ký hợp đồng còn mọi việc đã có các văn phòng công chứng (VPCC) làm thay, thuận tiện hơn.

Chưa kể hiện nay do cắt khúc quy trình thủ tục giao dịch nhà đất nên có người ký hợp đồng công chứng xong không nộp thuế, nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, mạo nhận gia chủ ký hợp đồng bán nhà đất để lừa tiền rất khó xác minh. Do đó, việc liên thông giữa công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) rất cần thiết để chia sẻ cơ sở dữ liệu, kiểm soát các giao dịch, chống hành vi lừa đảo, gian lận thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quy trình này rút ngắn 1/3 thời gian làm thủ tục, từ 15-50 ngày (hiện nay) xuống còn 10-40 ngày, tính toán sơ bộ chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi thực hiện liên thông cũng giảm gần 30%.

 
Ai hưởng dịch vụ “một cửa”?

* Với quy trình liên thông như đề xuất nói trên, VPCC sẽ đi làm thay trọn gói các thủ tục giao dịch nhà đất liên quan chứ đâu phải miễn phí. Như vậy khó thể nói đây là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để tất cả mọi người cùng được hưởng lợi, thưa ông?

 Người dân có quyền lựa chọn hai hình thức. Thứ nhất, tự mình cầm hồ sơ đến các cơ quan chức năng làm theo thủ tục hiện nay. Thứ hai, nếu họ không có thời gian tự đi làm và muốn làm hồ sơ nhanh hơn thì có quyền lựa chọn làm dịch vụ trọn gói của công chứng. Đừng nghĩ dịch vụ chỉ nhằm phục vụ cho người có tiền để thu lợi mà nên thấy rằng đó là nhu cầu chính đáng của xã hội cần được đáp ứng và phải quản lý tốt để tránh những phát sinh xấu.

Thực tế, nhiều tổ chức hành nghề công chứng hiện nay đã làm dịch vụ trọn gói này dưới hình thức nhận ủy quyền đi làm thủ tục nhà đất, thuế… nhưng do chưa được pháp lý hóa nên dẫn đến một số hạn chế. Có VPCC nhận làm dịch vụ, có nơi không làm dù người dân có yêu cầu. Có VPCC công khai nhận dịch vụ hợp đồng ủy quyền đi làm thủ tục nhà đất và đóng thuế nguồn thu từ dịch vụ nhưng cũng có nơi làm dịch vụ ngầm, không đóng thuế.

Cũng do chưa có quy trình liên thông rõ ràng nên việc thực hiện dịch vụ công chứng trọn gói đó chỉ dừng ở mức lắp ghép cơ học giữa các thủ tục hiện tại, lấy thù lao đi làm thay khách hàng mà chưa rà soát, bỏ bớt những chồng chéo, trùng lắp. Vì vậy, người dân chưa thực sự được thụ hưởng quy trình thủ tục đơn giản, thuận tiện nhất. Về phía cơ quan nhà nước cũng rất khó kiểm soát dịch vụ này, thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách. Rồi còn có cả chuyện làm nhanh, làm chậm, chất lượng dịch vụ kém, giá thu dịch vụ tùy tiện… Việc liên thông thủ tục nhà đất sẽ chính thức hóa công khai, minh bạch các dịch vụ của tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng nhu cầu xã hội và quản lý tốt hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân.


Với mô hình liên thông giao dịch nhà đất “một cửa” người dân sẽ thực sự được thụ hưởng quy trình thủ tục đơn giản, thuận tiện nhất. Trong ảnh: Giao dịch tại phòng công chứng. Ảnh: HTD

* Vậy sẽ tính mức phí thế nào?

Có hai phương án đang được thảo luận. Phương án 1 là mức phí sẽ do người yêu cầu và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận theo nguyên tắc cạnh tranh thị trường. Phương án 2 là sẽ có quy định cứng mức phí thống nhất để các tổ chức hành nghề công chứng không thu tùy tiện.

Băn khoăn nơi tiếp nhận đầu vào

Bao giờ Hà Nội sẽ thí điểm mô hình này, thưa ông?

 Mô hình “một cửa” liên thông này chỉ mới được đề xuất lấy ý kiến của các đơn vị liên quan như các tổ chức hành nghề công chứng, VPĐKQSDĐ, cơ quan thuế nên chưa thể gút thời điểm triển khai vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Những vướng mắc đó là gì?

Phía cơ quan thuế thì không có vấn đề gì nhưng còn nhiều tranh luận giữa phía công chứng và VPĐKQSDĐ rằng đơn vị nào sẽ tiếp nhận hồ sơ đầu vào “một cửa”. Có ý kiến cho rằng phía VPĐKQSDĐ nắm tình trạng pháp lý của tài sản nên làm đầu vào “một cửa” tiếp nhận hồ sơ để thuận tiện xác minh tài sản hơn. Nhưng phía công chứng lại có mạng lưu trữ những giao dịch - ngăn chặn tài sản nên bên nào cũng có những dữ liệu quan trọng nhất định. Do đó, cần phải thảo luận, lấy ý kiến thêm của các cơ quan chuyên môn về vấn đề này.

Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại về vấn đề công chứng thu hộ thuế. Vì nếu báo thuế gọi khách hàng đến đóng thì khách hàng cũng phải đi lại nhiều lần, còn nếu tạm thu lúc khách đến ký hợp đồng công chứng để sau này đi đóng thuế thay thì lại không biết tạm thu bao nhiêu…

Cảm ơn ông.


Các bước của mô hình thí điểm “một cửa”

Bước 1: Người dân nộp một bộ hồ sơ nhà đất tại VPCC. Công chứng viên (CCV) kiểm tra giấy tờ đầy đủ, hợp lệ và có quyền yêu cầu VPĐKQSDĐ cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. VPĐKQSDĐ phải tra cứu và thông báo cho VPCC bản thông tin về nguồn gốc, lịch sử biến động tài sản (mua bán, tách, nhập…) trước khi CCV lập hợp đồng công chứng.

Bước 2: Khi các bên ký hợp đồng, CCV thông báo cho các bên biết rõ về tình trạng pháp lý của tài sản theo thông tin VPĐKQSDĐ đã cung cấp. Nếu các bên giao kết cùng đồng thuận về những thông tin này thì CCV sẽ viết lời chứng và ký công chứng hợp đồng. CCV sẽ chuyển một bản hợp đồng qua VPĐKQSDĐ; chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế tính nghĩa vụ thuế, nộp tiền thuế. VPCC chịu trách nhiệm thu hộ và chuyển tiền về cơ quan thuế.

Bước 3: VPĐKQSDĐ xem xét hồ sơ, thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, cập nhật thông tin biến động tài sản vào sổ bộ, hệ thống dữ liệu. Sau khi hoàn tất, gửi kết quả về VPCC để trả cho cá nhân, tổ chức.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh