Với các hộ kinh doanh ở chợ Hàng Da thì việc xây chợ mới hay trung tâm thương mại đến nay vẫn đang còn là vấn đề bị...
Với các hộ kinh doanh ở chợ Hàng Da thì việc xây chợ mới hay trung tâm thương mại đến nay vẫn đang còn là vấn đề bị... “treo”. Cùng đó, nhiều vấn đề xung quanh việc xây mới chợ cũng đang khiến các hộ dân bức xúc, trong khi quận vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng...
Chợ hay trung tâm thương mại?
Văn bản duy nhất mà hơn 500 hộ kinh doanh chợ Hàng Da nhận được về dự án xây dựng “chợ mới” là thông báo 118/TB-UB ngày 3/8/2007 của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo đó, chợ sẽ xây dựng lại theo hướng văn minh, hiện đại, với chiều cao công trình khối ngoài tối đa là 12m, khối trong tối đa 16m, có từ 4 - 5 tầng nổi và từ 2 - 3 tầng hầm.
Với nội dung thông báo cũng như mô hình thiết kế đưa ra, bà con tiểu thương đã “hình dung” một trung tâm thương mại - siêu thị sắp tới sẽ mọc lên thay thế khu chợ dân sinh truyền thống. Theo thiết kế, khối nhà 4-5 tầng nổi sẽ được “bọc” kính toàn bộ, không có ki-ốt quay ra đường mà hoàn toàn trổ cửa vào trong, hành lang rộng 2,5-3m.
“Như thế này là xây trung tâm thương mại chứ không phải chợ nữa” - chị Lê Thị Hiền (ki-ốt số 64, ngành hàng rượu, đồ hộp) không giấu vẻ bức xúc. Chị bấm ngón tay tính những điểm không hợp lý, lắc đầu, tỏ ý bất đồng với mô hình mới.
Chợ Hàng Da nằm giữa khu phố cổ, theo quy hoạch thiết kế, các công trình chỉ được xây cao 2,5 tầng, kiến trúc phù hợp. Mô hình khối nhà quây kính sẽ “lạc điệu” giữa các khu phố cổ liền kề.
Chị Hiền nói “chắc”: “Nếu nói nâng cấp chợ thành trung tâm thương mại để trông hoành tráng, khang trang hơn thì có còn phải giữ phố cổ nữa? Đã là phố cổ thì phải có chợ truyền thống”.
Một lý do khác được bà chủ sạp C131 (ngành hàng quần áo) đưa ra là trung tâm thương mại chỉ dành cho số ít những người có thu nhập ở “lớp trên”: Cho dù có đủ tiền, đủ lực để trúng thầu một vị trí mới thì cũng khó tiếp tục kinh doanh khi chi phí đẩy giá cả hàng hoá lên, khách quen sẽ quay lưng với trung tâm thương mại”.
Chưa hết, còn một điều nữa khiến những người dân bức xúc là thông báo 118 của quận Hoàn Kiếm vừa “lập lờ” vừa mang tính bất nhất. Các căn cứ mà thông báo này đưa ra là các quyết định của Thành phố về việc xây dựng chợ, trong khi quận lại thông báo xây trung tâm thương mại.
Từ những lập luận và căn cứ trên, mấy trăm hộ kinh doanh ở đây đều thể hiện nguyện vọng thống nhất, cải tạo chợ như quy hoạch thành phố đã phê duyệt ban đầu, không thay đổi mục đích, không thể chuyển chợ dân sinh truyền thống thành trung tâm thương mại.
Không hẹn ngày phúc đáp
Yêu cầu từ phía người kinh doanh gửi lên UBND quận Hoàn Kiếm, gửi lên thành phố là muốn được góp vốn xây chợ mới giống như họ đã từng chung tay xây chợ Hàng Da 20 năm trước. Để có một khoảnh ki-ốt con con chưa đầy 3m2 ở đây, mỗi hộ kinh doanh đã phải đóng số tiền 18 triệu đồng (khoảng 10 cây vàng) thời điểm đầu năm 1990.
Bà Phạm Mai Quang (ki-ốt số 63, ngành hàng rượu, đồ hộp) bày tỏ sự ngạc nhiên về việc chủ đầu tư Công ty cổ phần Sông Hồng được giao xây dựng lại chợ Hàng Da. Người dân băn khoăn nhiều về quy trình, thủ tục đấu thầu khi không thể “kiếm” được một văn bản chính thức nào của thành phố mà chỉ được đọc vài dòng trên báo nói đơn vị này đã trúng thầu dự án 6 tháng trước.
Bà Quang cố diễn đạt ý 500 hộ dân kinh doanh từ lúc góp tay lập chợ đến nay đã gần 20 năm, hình thức để cho một đơn vị tư nhân đầu tư, thuê diện tích trong vòng 50 năm để kinh doanh, “ép” dân đấu thầu thuê lại, định đoạt tất cả các vấn đề là bất hợp lý.
Hàng trăm hộ tiểu thương ở chợ khẳng định lại nguyện vọng được tham gia “xã hội hoá” rộng rãi theo cách để người kinh doanh cùng đóng góp xây dựng chợ mới phù hợp. Người dân cũng mong muốn mô hình chợ mới được công khai, lấy ý kiến đóng góp trước khi xây. Xây xong, mỗi hộ kinh doanh được trả về vị trí tương đương như hiện tại, không đấu thầu.
Đáp lại tất cả những ý kiến khiếu nại, mong mỏi của hàng trăm hộ dân, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đáp gọn: đang xem xét, tìm hiểu, không hẹn ngày phúc đáp.
Theo kế hoạch thời gian khởi công xây dựng lại chợ Hàng Da đã cận kề - chậm nhất đầu tháng 11/2007. Thời hạn định ra cho 500 hộ kinh doanh phải di dời sang chợ tạm Phùng Hưng cũng đã sát nút - chậm nhất đầu quý IV/2007.
Theo Dân Trí