Hà Nội: Hàng trăm biệt thự... bỏ hoang

Cập nhật 04/05/2009 11:10

Hàng dãy dài biệt thự tiền tỉ ở khu đô thị Quang Minh đã được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn trong cảnh hoang vắng.

Hàng dãy dài biệt thự tiền tỉ ở khu đô thị Quang Minh đã được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn trong cảnh hoang vắng.

Hàng trăm căn biệt thự tiền tỉ trên những khu đất vàng tại Hà Nội đang mốc meo cùng thời gian, hoang vắng bóng người. Chủ đầu tư khẳng định, họ đã bán hết cho khách hàng, nhưng tỷ lệ sử dụng lại ở con số rất... khiêm tốn.

Nằm cạnh đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, khu biệt thự Quang Minh trở thành điểm nhấn ngay tại cửa ngõ thủ đô với hàng loạt căn biệt thự hoành tráng.

Đường rộng, có sân tennis, bể bơi..., đây được xem là khu vực sinh sống lý tưởng của người dân thủ đô. Vào sâu trong khu biệt thự, những khối nhà kiến trúc hiện đại được xây dựng xong phần thô, nằm bất động giữa gió trời. Những căn biệt thự ở đây đều trong tình trạng hoang vắng, không có người dân sinh sống. Thỉnh thoảng mới gặp dăm ba lao công quét dọn đường đi. Hỏi chuyện, chị lao công ở đây nói công việc cũng nhàn vì ít người sinh sống, rác thải vì thế không đáng bao nhiêu.

Khảo sát khu biệt thự, mỗi căn nhà với diện tích hàng trăm mét vuông, từ lâu không có dấu chân người, nên khách lạ cảm nhận sự lạnh lẽo trong từng viên gạch, rêu mốc bám xanh lớp vữa khô cứng. Cổng vẫn khoá, mảnh vườn nhỏ trong từng ngôi biệt thự mọc nham nhở cỏ dại. Một vài bộ đồ của công nhân xây dựng treo lủng lẳng ở những căn hộ xây thô. Người dân thị trấn Quang Minh cho biết, khối nhà đó được xây dựng từ lâu, nhưng không có ai đến ở, chỉ thỉnh thoảng mấy chiếc ôtô chạy ra chạy vào.

Nằm trong tổng thể 42ha thuộc địa bàn thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), hoàn công vào năm 2006, khu chung cư nhà vườn dịch vụ và du lịch Quang Minh có bốn trăm căn biệt thự, với hai loại biệt thự liền kề và biệt thự sân vườn đang trong cảnh... đìu hiu. Ông Đỗ Ngọc Lân, phó giám đốc công ty Long Việt 3 (đơn vị quản lý khu biệt thự Quang Minh), cho biết giá thấp nhất của một căn biệt thự ở đây là 2,5 tỉ đồng, giá cao nhất là trên 5 tỉ đồng. Bốn trăm căn này được hoàn thiện vào giao cho khách hàng từ năm 2006.

Cách khu biệt thự Quang Minh dăm phút chạy xe máy, nằm đối diện với đường Phạm Văn Đồng, khối biệt thự (thuộc dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh) cũng trong tình cảnh “thảm thương” lộ rõ. Trong buổi sáng, cả khu biệt thự không một bóng người, chỉ thưa thớt dăm ba chiếc xe thồ của người lao động đi qua. Tiết kiệm thời gian, cư dân địa phương tranh thủ con đường khu đô thị mới đi tắt ra đường cao tốc. Một công nhân đang chuẩn bị nấu bữa trưa trên tầng hai căn biệt thự vắng chủ, cho biết, anh thuộc nhóm công nhân xây dựng gần đấy, thấy nhà xây mà không có ai ở, nên “mượn tạm” làm nơi “tập kết” của anh em. Với khoảng bốn mươi căn biệt thự ba tầng, nhưng hầu hết mới dừng lại ở phần xây thô. Khối biệt thự chỉ có vài người dân chuyển đến sinh sống.

Lãng phí tài nguyên

Ông Lân xác nhận, hiện nay tỷ lệ sử dụng biệt thự ở khu đô thị Quang Minh mới chỉ đạt 20%. Lý giải sự “đìu hiu” trong mỗi căn biệt thự, ông Lân cho rằng, do giao nhà vào năm 2006, giá vật liệu tăng cao, nên chủ căn hộ không đủ tiền hoàn thiện. Mặt khác, cũng không tránh khỏi tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại.

Nhìn vào những căn biệt thự bị hoang hoá trong nhiều năm tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng bộ Xây dựng, viện trưởng viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định đó là một sự lãng phí lớn. “Những khu biệt thự ấy thể hiện sự quy hoạch vô lối, một thành phố đông dân trên thế giới bây giờ mà có biệt thự như Việt Nam là khá hiếm. Các biệt thự đó chỉ chiều lòng một số người giàu và sử dụng đất đai một cách lãng phí. Nếu tưởng tượng phải vay tiền, những ngôi nhà đó phải được sử dụng ngay, hay cũng phải được bán ngay, cứ để hoang hoá như vậy, mỗi năm trả tiền lãi cũng đủ “chết”, ông Liêm nhận xét.

Theo ông Liêm, tình trạng biệt thự hoang hoá còn do một nguyên nhân khác, bởi một số nhà kinh doanh đầu cơ bán lại, nhưng tình hình thị trường đang ế ẩm như hiện nay, nên họ cũng không nóng hoàn thiện, bởi vì, nếu hoàn thiện, cũng chẳng bán được cho ai. “Không phải cứ có tiền là muốn lãng phí bao nhiêu cũng được, quỹ đất bố trí đó phải phù hợp và đóng góp chung cho sự phát triển của đô thị”, ông Liêm nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị