CBRE vừa tổ chức họp báo công bố báo cáo quý IV/2014 về thị trường bất động sản Hà Nội. Theo đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ tiếp tục đà giảm nhằm duy trì tỷ lệ lấp đầy, tuy nhiên giá chỉ giảm ở mức độ khiêm tốn.
Về nguồn cung, trong năm 2014, năm dự án đã gia nhập thị trường, cung cấp thêm 55.058m2 diện tích cho thuê, giúp tăng tổng diện tích cho thuê bán lẻ trên toàn thị trường TP Hà Nội lên 625.000m2 với 18 trung tâm thương mại, 3 trung tâm thương mại tổng hợp và 8 sảnh bán lẻ.
Giá và tỷ lệ lấp đầy so với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê giảm 15,5% tại khu vực trung tâm và 10,4% tại khu vực ngoài trung tâm. Sự sụt giảm chủ yếu là do giá chào thuê thấp hơn đáng kể tại các sảnh bán lẻ và các trung tâm thương mại khu vực ngoài trung tâm.
Đáng chú ý, giá chào thuê từ các sảnh bán lẻ và trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm đang hội tụ tại khoảng 85 USD/m2/tháng, khoảng cách giữa giá chào thuê của hai loại hình mặt bằng này đã từng là 23,8 USD/m2/tháng vào thời điểm quý IV/2013.
Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều tích cực mở rộng kinh doanh. Siêu thị Lotte Mart từ Hàn Quốc thông báo kế hoạch của họ với 60 siêu thị tại Việt Nam cho đến năm 2020, trong khi AEON từ Nhật Bản lên kế hoạch mở 20 đại siêu thị trên toàn quốc. Thêm vào đó, Vingroup - một nhà bán lẻ nội địa vừa mua lại Ocenmart và đã lên lịch trình xây dựng thêm 9 trung tâm thương mại trên toàn quốc.
Đáng chú ý, sự mở cửa trở lại của Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza với nhiều gian hàng ẩm thực hơn và sự hiện diện của các nhãn hàng tầm trung được kỳ vọng sẽ làm cải thiện tình hình kinh doanh của trung tâm thương mại này.
Cũng theo báo cáo, ngành hàng kinh doanh ẩm thực F&B là ngành hàng hỏi thuê cao nhất, chiếm 45% mặt bằng, sau đó đến ngành thời trang tại các trung tâm thương mại nói chung.
Trả lời phóng viên về việc trung tâm thương mại Parkson thông báo đóng cửa tại tòa nhà Keangnam có phải là xu hướng và thách thức đối với đơn vị cho thuê mặt bằng hay không, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE bày tỏ quan điểm: “Đây là diễn biến hoạt động kinh doanh bình thường. Tại Hà Nội có nhiều đơn vị kinh doanh tốt và lượng khách mua ổn định. Một số trung tâm mua sắm không hoạt động tốt sẽ phải đóng cửa hoặc cải tạo lại trong khi vẫn có nhà đầu tư mở rộng kinh doanh và thương hiệu nước ngoài xâm nhập thị trường. Tuy nhiên đây không phải là xu hướng của phân khúc này”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng