Hà Nội dành 7m lòng đường cho xe buýt nhanh

Cập nhật 13/10/2011 16:35

Nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, hợp phần buýt nhanh (BRT) vừa được khởi động lại sau 3 năm chậm trễ. Theo đó, quyết định chọn nhà thầu cho gói đường và trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến sẽ xong trong tháng 3/2012…

Nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, hợp phần buýt nhanh (BRT) vừa được khởi động lại sau 3 năm chậm trễ. Theo đó, quyết định chọn nhà thầu cho gói đường và trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến sẽ xong trong tháng 3/2012…

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 nhưng đến nay, công tác thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát vẫn chưa hoàn thành.

Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi, tiến độ như vậy là quá chậm. Ông Khôi yêu cầu Sở GTVT tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, triển khai thực hiện. Đồng thời, ông Khôi cũng yêu cầu Sở này chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện dự án theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới và đúng quy định hiện hành.

Cũng liên quan đến dự án này, với gói thầu đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy), ông Khôi cho biết thống nhất với nội dung cam kết của Sở Giao thông, theo đó, gói thầu xây dựng đoạn Nhật Tân - Xuân La sẽ khởi công trong tháng 11/2011; gói thầu xây dựng đường đoạn từ Xuân La - Bưởi, phê duyệt hồ sơ mời thầu trong tháng 10/2011, lựa chọn xong nhà thầu trong tháng 12/2011.

Với gói thầu xây dựng đường đoạn từ nút Bưởi đến Cầu Giấy, TP sẽ phê duyệt thiết kế ngay trong tháng 10 năm nay, còn thiết kế nút giao thông Bưởi và nút giao thông Cầu Giấy sẽ được phê duyệt trong tháng 3 năm sau. “Thành phố sẽ kiểm tra, rà soát để làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong việc chậm tiến độ” - Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh,

Liên quan đến hợp phần xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (BRT), ông Khôi cho biết TP sẽ phê duyệt thiết kế xây dựng nút giao thông Kim Mã và nút giao thông Giảng Võ - Dương Văn Minh trong tháng 12 tới đây, còn gói thầu xây dựng đường và trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến sẽ quyết định lựa chọn xong nhà thầu trong tháng 3/2012; đoạn từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa, Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở GTVT phối hợp với Cục đường sắt Việt Nam và Ban quản lý dự án đường sắt, Sở Xây dựng và các chủ đầu tư liên quan lập dự án đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa các dự án và tránh lãng phí, trình Sở KH&ĐT thẩm định dự án trong tháng 10/2011.

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được Sở GTCC Hà Nội trình lên UBND TP Hà Nội lần đầu tiên vào tháng 10/2005. Dự án có 3 hợp phần: buýt nhanh (BRT) ; đường giao thông và tăng cường thể chế, chia làm 28 gói thầu.

Theo dự án này, nhiều đường phố Hà Nội sẽ dành một phần lòng đường (7m) cho những xe buýt có kích thước lớn và tốc độ cao (BRT). Loại xe buýt này có sức chứa 180 khách, có đường lên xuống cho người tàn tật. Thay vì phải mua vé giấy như hiện nay, hành khách chỉ cần quẹt vào hệ thống thẻ từ khi lên xe. Tốc độ của buýt nhanh BRT có thể đạt từ 25- 30km/h và chạy trên đường dành riêng, 2 bên đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT sẽ xây dựng các nhà chờ xe buýt khép kín với diện tích chiếm đất khoảng từ 30- 50m2.

Năm 2007, Hà Nội đã phê duyệt dự án này và năm 2008, Liên danh Egis BCEOM International (Pháp) và ING Ingeneria S.A (Columbia) đã trúng thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội với giá 118,25 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa chọn được nhà thầu thi công.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia