Chiều nay (25/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng này.
Trả lời câu hỏi, công tác quản lý, sử dụng hơn 1.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được phản ánh là thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng “liên doanh, liên kết”, cho thuê để trục lợi. Xin cho biết biện pháp xử lý tình trạng này như thế nào, ông Nên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện việc sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; yêu cầu các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó có việc quản lý, sử dụng, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Theo báo cáo của TP Hà Nội và Bộ Tài chính, trên địa bàn TP Hà Nội có 12.111 cơ sở nhà đất đã kê khai, báo cáo, trong đó có 1.493 cơ sở do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương (gọi tắt là cơ sở thuộc TW) và 10.618 cơ sở do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội (gọi tắt là cơ sở thuộc địa phương). Đến cuối năm 2014 đã thực hiện kiểm tra, rà soát, sắp xếp và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 11.948 cơ sở, gồm 1.330 cơ sở thuộc TW; 10.618 cơ sở thuộc địa phương.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, trên địa bàn TP Hà Nội đến nay còn khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao (trong đó, 60 cơ sở cho thuê, cho mượn; 5 cơ sở liên doanh liên kết không đúng quy định; 90 cơ sở bố trí làm nhà ở đan xen trong khuôn viên cần phải di dời; còn lại là các cơ sở sai phạm khác như bị lấn chiếm, bố trí cho các đối tượng khác sử dụng...). Đối với các trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công và theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại TP.HCM và trong Quý II/2015 sẽ thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trả lời câu hỏi, việc thực hiện bảo lãnh giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai (Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đang khiến nhiều doanh nghiệp và khách hàng lo lắng về các chi phí bảo lãnh sẽ làm giá bất động sản tăng cao; trong khi Luật không quy định rõ khoản phí này là bao nhiêu và do ai trả (người mua hay người bán?). Xin cho biết Chính phủ chỉ đạo xử lý như thế nào, ông Nên cho biết, việc thực hiện bảo lãnh giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai đã được quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Cụ thể, khi chủ đầu tư dự án bất động sản bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai mà đã được ngân hàng bảo lãnh, nếu vì lý do nào đó mà chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho khách hàng theo đúng tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua nhà ở có yêu cầu thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn những nội dung liên quan của Luật và gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có nội dung về bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, phí bảo lãnh sẽ do chủ đầu tư dự án trả cho ngân hàng, mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực, uy tín của chủ đầu tư dự án và sẽ được tính vào giá bán, giá cho thuê mua nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Phụ Nữ TP