GS Đặng Hùng Võ: Hiến kế gỡ khó cho gói 30 nghìn tỷ

Cập nhật 13/12/2013 13:29

"Điều quan trọng là không trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà cần trợ giúp bằng trao quyền và tạo cơ hội cho người nghèo để tự xóa nghèo", GS Đặng Hùng Võ cho biết.

"Điều quan trọng là không trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà cần trợ giúp bằng trao quyền và tạo cơ hội cho người nghèo để tự xóa nghèo", GS Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30.11.2013, 5 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB mới chỉ giải ngân được 470,8 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ cho 1.236 khách hàng.

Còn nhớ trước đó, mục tiêu mà NHNN và Bộ Xây dựng đề ra là chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1.6.2013, phải hoàn thành việc giải ngân gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên sau 6 tháng triển khai, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt 1,56%, nếu cứ theo tốc độ này thì phải mất hơn 30 năm nữa thì may ra mục tiêu này mới hoàn thành.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ còn chậm là vì các điều kiện pháp lý để người dân có thể mua nhà xã hội còn nhiều ràng buộc, gây khó khăn cho người dân trong quá trình làm hồ sơ.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: "Đúng là hiện nay khung pháp lý đang làm khó khăn cho việc giải ngân gói 30.000 tỷ nhằm hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở. Theo tôi, việc tháo gỡ khung pháp lý này là điều cần thiết, nhưng chúng ta cần xem xét tới một số cơ chế phù hợp cần được ưu tiên hơn".

GS. Đặng Hùng Võ

GS Võ phân tích, ví dụ, pháp luật hiện nay vẫn quy định là người mua nhà phải chứng minh được khả năng trả nợ mà người có thu nhập thấp thì không thể chứng minh được khả năng này. Vậy tháo gỡ khung pháp lý mà chỉ bỏ đi cơ chế bắt chứng minh khả năng trả nợ thì có thể lai rơi vào nợ xấu.

Vậy thì, như kinh nghiệm nước ngoài họ đã gắn việc trả nợ với một cộng đồng những người có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà. Cộng đồng này sẽ tìm cách giám sát việc trả nợ, chịu trách nhiệm với ngân hàng việc trả nợ của cả cộng đồng, liên hệ với các tổ chức hoạt động vì mục tiêu xã hội để tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội đối với cộng đồng.

Điều này có nghĩa, việc cởi mở khung chính sách phải gắn với các cơ chế đặc thù để việc sử dụng vốn vay có hiệu quả và có khả năng trả được nợ.

Để tránh trường hợp khi nới lỏng khung pháp lý dễ có nguy cơ bị giới đầu cơ “làm giá”, ông Võ cho biết: "Khả năng đầu cơ nhà ở xã hội vẫn luôn luôn là một nguy cơ có thể xảy ra. Như đã từng xảy ra tình trạng "bán lúa non" đối với những người được suất nhà chung cư. Những người được tái định cư bán suất tái định cư trên giấy cho một "đầu nậu" với giá rẻ để đi tìm chỗ ở mới cho mình phù hợp hơn. "Đầu nậu" đó tiếp tục chờ đợi nhận nhà chung cư và bán với giá cao hơn sau khi hoàn thành. Sự tháo gỡ chính sách một cách đơn giản cũng có thể dẫn tới khả năng xuất hiện các đầu nậu như phương thức nói trên".

"Vậy thì bên cạnh việc tháo gỡ chính sách để giải tỏa các vướng mắc hiện  nay đối với nhà ở xã hội thì chúng ta phải tư duy đến những cơ chế hiệu quả hơn về việc trợ giúp xã hội  hoặc nhà nước đối với những người có thu nhập thấp. Điều quan trọng là không trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà cần trợ giúp bằng trao quyền và tạo cơ hội cho người nghèo để tự xóa nghèo. Đây cũng là một yêu cầu thay đổi tư duy bao cấp vẫn đang thường trực trong việc trợ giúp cho người nghèo ở nước ta".
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ