Góp tiền cho chủ đầu tư xây dựng là rất rủi ro

Cập nhật 16/08/2013 08:41

Nhiều dự án chậm tiến độ, không ít chủ đầu tư đã có hành vi lừa đảo, chiếm dụng số tiền mà khách hàng đã góp vốn…

Nhiều dự án chậm tiến độ, không ít chủ đầu tư đã có hành vi lừa đảo, chiếm dụng số tiền mà khách hàng đã góp vốn…


Nhiều người khóc dở mếu dở vì chủ đầu tư dự án Tricon Towers “ôm” số tiền gần 400 tỷ đồng bỏ trốn ra nước ngoài

Bất động sản đóng băng, nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí vẫn chỉ là bãi đất trống, không ít chủ đầu tư đã có hành vi lừa đảo, chiếm dụng số tiền mà khách hàng đã góp vốn… đó là một thực tế của thị trường bất động sản hiện nay.

Người dân –khách hàng của các dự án chậm tiến độ là những người chịu nhiều rủi ro nhất, quyền lợi của họ không được đảm bảo.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về nội dung này.

* Thưa ông, gần đây chủ đầu tư dự án Tricon Towers ở Hà Nội đã “ôm” số tiền gần 400 tỷ đồng bỏ trốn ra nước ngoài. Đây là một điển hình của những rủi ro mà người dân phải hứng chịu. Vậy theo ông, trong trường hợp này, chúng ta cần giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Trường hợp này được coi như họ đã xé bỏ hợp đồng, và người dân có quyền kiện.

Không phải vì họ người quốc tịch nước khác, không có mặt ở Việt Nam mà Nhà nước không xử được, hơn nữa còn có Interpol.

Bên cạnh đó, công ty ấy bắt buộc phải tuyên bố phá sản, những tài sản ấy chúng ta phát mại, đấu giá, đấu thầu lấy tiền trả lại cho những người đã bị lừa. Tất nhiên số tiền được trả lại có thể không được như lúc đầu nhưng cũng bù đắp được phần nào.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

* Thưa ông, có cách gì để khách hàng mua nhà tránh được những rủi ro trong trường hợp chủ đầu tư chậm tiến độ, không thực hiện hợp đồng hay bỏ trốn như vậy?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Điều quan trọng là về mặt pháp lí, pháp luật phải làm thế nào để ngăn chặn được, không cho những chuyện như thế xảy ra.

Hình thức góp tiền lại cho nhà kinh doanh là đầy rủi ro, sau này rất khó xử lý.

Hai bên cam kết với nhau thì phải có 1 khoản tiền gọi là tiền đặt cọc hay tiền kí quỹ.

Chúng ta có thể quy ước với ngân hàng là tiền kí quỹ gửi vào ngân hàng vẫn có lãi, nhưng người đóng tiền lấy lãi ít. Ngân hàng căn cứ vào số tiền đó mà cho bên kinh doanh vay một số tiền tương đương với tiền kí quỹ, không phải đưa tiền mặt để có thể “ẵm” đi được.

Họ cho vay là để thực hiện dự án, vậy dự án có xây dựng, có hóa đơn thì mang đến mới thanh toán trực tiếp. Như vậy thì không thể lừa đảo được.

Trong trường hợp khó khăn, chủ đầu tư không có tiền trả ngân hàng thì ngân hàng sẽ làm thủ tục phát mại, thu hồi vốn theo thủ tục thông thường. Còn những người gửi tiền, do chủ đầu tư phá sản có thể thu hồi số tiền đã gửi, không có thiệt hại gì.

* Thực tế là hàng loạt dự án ở Hà Nội vẫn “đắp chiếu” nhiều năm trời, không triển khai được do chủ đầu tư hết vốn. Ông có đề xuất gì để giải quyết tình trạng này?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Thứ nhất, nếu là miếng đất đã quy hoạch thành khu đô thị, chúng ta đấu giá nó, thậm chí để làm dự án khác chứ không cứ phải làm nhà ở, như làm bệnh viên tư chẳng hạn.

Nếu không làm được như thế, tôi đề xuất người mua nhà tổ chức thành hợp tác xã, mua miếng đất ấy bằng số tiền mình đã góp, rồi góp tiền lại tự xây dựng.

Làm như thế, người mua sẽ chủ động không phải đợi, như vậy, theo tôi giá có thể còn rẻ hơn khoảng 20-30%.

Nếu đất ở ngoại thành, đấu giá không ai mua thì tôi đề xuất chuyển đổi lại, nên giao cho những ai tình nguyện mở trang trại.

Hiện nay chúng ta đang khuyến khích kinh tế trang trại nhưng không có đất rộng lớn. Do đó, người làm trang trại có thể mua hoặc thuê miếng đất ấy./.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo VOV