Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản Chính phủ trình Quốc hội sáng 28/5 đã được bổ sung thêm nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều...
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản Chính phủ trình Quốc hội sáng 28/5 đã được bổ sung thêm nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, theo hướng thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thống nhất giấy đỏ, giấy hồng là nội dung hoàn toàn mới so với dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp giữa tháng 5 vừa qua. Theo dự luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 1 điều và chỉnh lý kỹ thuật tại 26 điều của Luật Đất đai; bãi bỏ 13 điều và chỉnh lý kỹ thuật tại 16 điều của Luật Nhà ở để phù hợp với việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao một cơ quan làm đầu mối thực hiện trên cơ sở Luật Đất đai.
Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo một mẫu thống nhất trong cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành.
Cũng theo dự luật, các loại giấy liên quan đến nhà và đất như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi giấy chứng nhận đó sang loại giấy mới, trừ trường hợp có nhu cầu cấp đổi.
Khi chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của luật này.
Trường hợp chưa được cấp một trong các loại giấy chứng nhận nêu trên thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của luật này.
Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cơ bản thống nhất với Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật nói trên.
Riêng với việc sửa một số điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, theo Ủy ban Kinh tế, việc tồn tại hai loại giấy đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư. Việc thống nhất hai loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án và doanh nghiệp đều cho rằng việc thống nhất cấp một loại giấy và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh.
Hơn nữa, sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản.
Các ý kiến trong ủy ban đều tán thành với quy định chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho biết.
Ở địa phương, cơ quan thẩm tra tán thành việc giao văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối và đề nghị văn phòng này vẫn đặt tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương như quy định của Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên cần cân nhắc về tên gọi để thể hiện đầy đủ chức năng đầu mối làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Liên quan đến thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần sửa đổi bổ sung Điều 52 Luật Đất đai để quy định thống nhất cơ quan đầu mối. Trong đó cần quy định rõ về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân, bỏ quy định về ủy quyền cấp giấy chứng nhận vì trên thực tế các địa phương thực hiện việc ủy quyền không thống nhất, vướng về thủ tục, thẩm quyền, việc sử dụng con dấu...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, cũng như cơ quan làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục.
Như vậy, sau nhiều lần chỉnh lý, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều vướng mắc nhất trong 6 luật: Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Nhà ở. Dự kiến luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/8/2009.
Theo đánh giá của Chính phủ, luật “cấp bách” này được ban hành sẽ có tác động tích cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngày mai, 29/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật này và sẽ xem xét, biểu quyết vào cuối kỳ họp.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy