Sáng nay, 30/11/2009 tại Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một Tiểu vùng mekong năng động-GMS”, hàng loạt các dự án mới trong khuôn khổ hợp tác GMS đã được lên kế hoạch để kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một Tiểu vùng mekong năng động-GMS”. Ảnh: Khánh An. |
Sáng nay, 30/11/2009 tại Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một Tiểu vùng mekong năng động-GMS”, hàng loạt các dự án mới trong khuôn khổ hợp tác GMS đã được lên kế hoạch để kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, đa dạng hoá cơ chế hợp tác đang cần được xây dựng khi mà cuộc khủng hoảng đang khiến nhiều dự án, chương trình ưu tiên của tiểu vùng chưa huy động được nguồn vốn đầu tư, nhiều chương trình đang thực hiện phải dãn tiến độ, gây hậu quả lớn cho cả vùng.
“Chúng ta cần kêu gọi thêm sự quan tâm của các nước, các tổ chức quốc tế, đồng thời cần có những giải pháp về huy động vốn, xây dựng cơ chế hợp tác phù hợp với tình hình và cơ hội mới của hợp tác tiểu vùng GMS”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.
Hiện tại, một số đường trục mới liên quan đến Việt Nam cũng đang được lên kế hoạch triển khai. Đó là Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái – Hạ Long đã hoàn thành phần nghiên cứu báo cáo khả thi. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được hoàn tất vào khoảng 2015-2020.
Dự án Đò Lèn (Thanh Hoá) – Quốc lộ 17 – Sầm Nưa – Luan Prabang (Lào) có tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD đang được xây dựng dự án và có thể ký kết vào năm 2010.
Dự án Quốc lộ 10- Cửa khẩu Lệ Thanh nối với khu vực đông bắc Campuchia và đi tới Bangkok (Thái Lan) sẽ được tiếp tục sau khi dự án trên hoàn thành.
Cùng với đó, việc xây dựng dự án đường ven biển từ bắc tới nam sẽ được lên kế hoạch huy động vốn từ các nguồn lực khác nhau để thực hiện.
Cũng phải nhắc tới hàng loạt các đường trục đã được triển khai trong khu vực GMS như dự án Hà Nội - Lào Cai và các tuyến tránh với tổng đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, Dự án phát triển thị trấn Đông Hà đang huy động vốn sau khi dự án Đông Hà – đường 9 hoàn thành…
Nhờ hệ thống đường trục được đầu tư, các khu vực của Việt Nam được hưởng lợi từ cơ hội phát triển hành lang kinh tế này. Các cực phát triển dọc theo mạng lưới đường liên thông khu vực sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Ông Hoàng Viết Khang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhắc tới danh mục dự án gồm 55 dự án ưu tiên đầu tư để hoàn thiện mạng lưới đường xương cá nối với hệ thống đường trục trong các hành lang kinh tế trong vùng GMS. “Cùng với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án theo các hình thức công tư kết hợp”, ông Khang cho biết.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong tận dụng cơ hội này, theo ông Khang, chính là sự phân tán trong đầu mối tiếp nhận và triển khai các dự án liên quan đến GMS. Hiện tại, khá nhiều đầu mối tham gia vào, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch… Trong khi đó, cơ chế điều phối còn bất cập, khiến việc tiếp cận các dự án của các nhà đầu tư còn khó khăn chưa rõ ràng
“4 tồn tại cần được giải toả ngay, đó là vốn đầu tư; điều phối, quản lý hiệu quả có các dự án; cải thiện hệ thống văn bản pháp quy và cơ cấu tổ chức các đầu mối, Việt Nam sẽ tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các chương trình phát triển của GMS khi các dự án được tích cực khởi động sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, ông Khang nói.
Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một Tiểu vùng mekong năng động-GMS” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia phối hợp tổ chức sáng nay được coi là hành động đầu tiên thúc đẩy lại các cam kết trong GMS sau thời gian chìm lắng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư