Gói tín dụng 50.000 tỷ, không dễ khi “bốn nhà” phải đồng thuận

Cập nhật 27/03/2014 13:33

Chiều 25/3, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một số đối tác chính thức giới thiệu gói tín dụng phát triển thị trường BĐS trị giá 50.000 tỷ đồng. Theo đó, gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết 4 nhà: ngân hàng người mua - chủ đầu tư - nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) - ngân hàng người bán, thị trường lại đón nhận thêm một gói vốn mới và các thành viên thị trường đón nhận nó ra sao?

Chiều 25/3, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một số đối tác chính thức giới thiệu gói tín dụng phát triển thị trường BĐS trị giá 50.000 tỷ đồng. Theo đó, gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết 4 nhà: ngân hàng người mua - chủ đầu tư - nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) - ngân hàng người bán, thị trường lại đón nhận thêm một gói vốn mới và các thành viên thị trường đón nhận nó ra sao?


Ông Nguyễn Viết Mạnh Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN Việt Nam
Thị trường BĐS đóng băng trong thời gian dài đã tác động mạnh đến các ngành kinh tế có liên quan, gây nên những khó khăn nhất định cho ngành VLXD. Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, thị trường vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân, thứ nhất là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Sự thiếu tin tưởng này đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán VLXD, thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ, thanh toán tiền xây dựng và VLXD…) của thị trường BĐS gặp khó khăn; hai là, nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực BĐS vẫn ở mức cao.

Để lấy lại lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trên thị trường BĐS, phải có một định chế đủ uy tín đứng ra làm trung gian và định chế ấy chỉ có thể là các NHTM với tiềm lực về tài chính, có đủ uy tín ở cả trong và ngoài nước, cũng như có các nghiệp vụ về tài chính ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng ký hợp đồng liên kết 4 bên với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp VLXD để thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng trong các giao dịch để đảm bảo chuỗi liên kết được thực hiện an toàn là rất trúng vấn đề hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM


Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM
Nếu liên kết được 4 bên chắc chắn dòng tiền luân chuyển sẽ tốt hơn, hiệu quả sử dụng đồng vốn tốt hơn và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng khi cung cấp tín dụng cho nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp VLXD, cũng như giúp VLXD đưa vào công trình có giá tốt nhất. Đồng thời, liên kết sẽ giúp tăng mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia. Khi đó, tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng; chủ đầu tư yên tâm đầu tư; nhà thầu yên tâm thi công; nhà cung cấp yên tâm cung cấp VLXD và người mua yên tâm góp vốn. Đó là chưa kể sự hẫu thuẫn của ngân hàng sẽ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, thanh khoản được đảm bảo.

Với tư cách đại diện DN, chúng tôi ủng hộ liên kết này, nhưng trên cơ sở đây là một liên kết tự nguyện theo cơ chế thị trường, các bên cùng có lợi, để làm sao mục đích cuối cùng là tạo ra những sản phẩm giá thành hợp lý nhất cho người dân.

Ông Lê Xuân Nghĩa Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)


Ông Lê Xuân Nghĩa Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)
Hiện thị trường xây dựng ở các quốc gia trên thế giới được tổ chức và quản lý rất chặt chẽ, giúp dòng vốn chảy vào ngành sản xuất, xây dựng một cách hiệu quả. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa làm được điều này.

Đơn cử như đối với ngành nông nghiệp, hiện các NHTM Việt Nam cho cả người nông dân vay, đến người thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản vay, nhưng hiệu quả mang lại không nhiều. Với ngành xây dựng, các NHTM cũng cho vay theo hình thức tương tự. Vốn cho vay bị phân tán và kết quả chưa thực sự hiệu quả, rủi ro nợ xấu lại có nguy cơ gia tăng, vì không dễ kiểm soát được dòng tiền.

Vì thế, theo tôi, việc triển khai chuỗi liên kết 4 nhà, nếu hiệu quả sẽ tác động tích cực lên ngành xây dựng, giảm được tồn kho VLXD, cũng như sản phẩm BĐS trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thành công trong việc triển khai gói này, trước hết phải tổ chức được thị trường VLXD và tiến tới hình thành Sàn giao dịch VLXD.

Có như vậy, mới tránh được chi phí vận tải, chi phí giao dịch và chi phí lãi suất…, từ đó mới giảm được giá bán.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long


Ông Nguyễn Vĩnh Trân Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long
Tôi cho rằng, việc liên kết 4 nhà để khép kín ngành xây dựng là một ý tưởng tốt và khi đi vào thực tiễn sẽ có những tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất và quyết định vẫn chính là người mua. Người mua sẽ là người quyết định giá cả phù hợp hay không; lãi suất vay sẽ như thế nào…

Đây là một sự liên kết, nhưng mỗi bên tham gia phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, người bán, nhà cung ứng phải đưa ra giá cả như thế nào cho phù hợp; Ngân hàng phải giải ngân vốn đúng tiến độ với lãi suất phù hợp; Chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai dự án đúng tiến độ. Nếu làm tốt được những việc này thì chắc chắn người mua sẽ cảm thấy hài lòng và đưa ra quyết định cuối cùng để mua sản phẩm. Vì thế, để đánh giá gói tín dụng này có tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới hay không, theo tôi, trước hết đòi hỏi phải có sản phẩm phù hợp với mức giá bán phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành


Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Như tôi được biết, ý tưởng về chuỗi liên kết 4 nhà trước đây BIDV cũng đã xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Vì thế, việc hình thành nên chuỗi liên kết 4 nhà theo tôi là rất quan trọng và có ý nghĩa đối với không chỉ ngành xây dựng, mà cả với thị trường BĐS. Tuy nhiên, để ý tưởng đó trở thành hiện thực cũng phải trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phải làm sao tạo được sự vững chắc và khâu tổ chức phải được xuyên suốt. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít ý tưởng hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên thị trường, song để ý tưởng đó đi đến thành công cũng là con đường rất xa.

Ông Phan Thành Mai Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam 


Ông Phan Thành Mai Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam
Trước tiên, nhìn vào tổng thể, tổng giá trị sản xuất của ngành xây dựng Việt Nam năm 2013 vào khoảng 770.000 tỷ đồng, bao gồm BĐS (nhà ở chiếm 330.000 tỷ đồng) và những lĩnh vực liên quan, cho thấy, đây là thị trường rất lớn. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam, là Nhà nước quản lý về mặt chuẩn mực của sản phẩm, nhưng chưa có sự phối hợp tạo dựng một thị trường, trong khi câu chuyện thị trường về bản chất khác với câu chuyện của ngành. Do vậy, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mong muốn tái cấu trúc lại thị trường ngành xây dựng thông qua các giải pháp ngân hàng và tài chính.

Thứ nhất, chuỗi sản phẩm khép kín 4 nhà do BIDV khởi xướng từ năm 2012, mà cụ thể ở đây là VLXD được điều tiết, cung ứng đúng mục đích có sự phối hợp của một ngân hàng.       

Thứ hai, về cơ bản, năng lực của một ngân hàng không giải quyết được tất cả các vấn đề. Do đó, các ngân hàng chỉ có thể bắt tay nhau tạo thành một cấu trúc khép kín, an toàn, đối trừ tiền trực tiếp, đi đúng mục đích, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát… như gói sản phẩm tín dụng khép kín 4 nhà.

Điểm mới trong chuỗi liên kết này là, DN đang là con nợ ở một ngân hàng khác khi tham gia dự án này lại mở tài khoản tại một trong các ngân hàng liên minh. Khi có nguồn tiền chuyển về, thông thường, ngân hàng chủ nợ sẽ cắt gốc, phạt lãi xong rồi mới trả lại tiền cho công trình. Nhưng, liên minh của Ngân hàng Xây dựng đã thống nhất, khi tham gia chuỗi cung ứng này, nếu DN là con nợ ở Ngân hàng B, khi chuyển tiền, Ngân hàng B vẫn cho tiền qua để hoàn thiện và bán sản phẩm trong chuỗi sản phẩm 4 nhà đã được thẩm định và ký kết, cho đến khi DN có lợi nhuận sẽ trả lãi và gốc.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán