Đó là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm khi Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) liên kết với các ngân hàng “bơm” số tiền này vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS) để kết nối cung – cầu trên thị trường. Xung quanh vấn đề này, Tài chính & Đầu tư có cuộc phỏng vấn ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc VNCB.
* Xin ông cho biết rõ hơn về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng giải ngân cho lĩnh vực xây dựng, bất động sản của VNCB liên kết với các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa công bố?
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
|
Ông Phan Thành Mai: Mục tiêu của gói tín dụng này là hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) - Ngân hàng). Đồng thời, xây dựng sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp, nhằm tối ưu hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn; khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, góp phần, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng mới khi vẫn còn các khoản vay cũ…
Điểm nhấn quan trọng của gói tín dụng này là kéo được cả 4 nhà cùng tham gia ký kết trên một hợp đồng. Về phía ngân hàng, các NHTM cùng tham gia tài trợ cho các DN trong chuỗi liên kết 4 nhà. Cùng với đó, đáp ứng nhu cầu VLXD được thực hiện thông qua việc kết nối chợ/ sàn mua bán VLXD với các dự án khả thi và nhà sản xuất khi vay vốn qua phương thức trả chậm không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng VLXD cung ứng cho công trình, các ngân hàng chủ động tiếp cận DN, các DN có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.
Cũng cần khẳng định rằng, đây là gói tín dụng cho vay thương mại dựa trên tính khả thi của việc thu hồi vốn. Nghĩa là xây đến đâu, giải ngân vốn đến đó chứ không xét duyệt chỉ tiêu, vì vậy chắc chắn nó sẽ giải ngân tốt.
Thời gian tới, VNCB sẽ giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng cho vay ngắn hạn đối với VLXD và được quay vòng trong năm 2014. Đặc biệt, hình thức cấp tín dụng của gói tín dụng này là bằng hàng hóa VLXD với các phương thức, như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo lãnh thanh toán…
Ngoài ra, VNCB cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm lên đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và các dịch vụ.
*
Thời gian vừa qua, cả cung – cầu trên thị trường đều đang “chầu trực” nhưng chưa kết nối được với nhau để khơi thông bế tắc cho thị trường BĐS. Đâu là những nguyên nhân căn bản tác động đến vấn đề này, thưa ông?
Mặc dù chủ đầu tư đã điều chỉnh cơ cấu lại sản phẩm căn hộ BĐS nhưng nguồn cầu vẫn chưa “mặn mà” quay trở lại thị trường. Sự dịch chuyển của hàng hóa sản phẩm BĐS và tín dụng hiện không song hành cùng với nhau, mà tách rời nhau. Điều này đã gây nên khủng hoảng thừa trong lĩnh vực xây dựng và thị trường BĐS, hàng hóa ứ đọng, không có người mua...
Cùng với đó, hiện niềm tin của các thành viên tham gia thị trường vẫn chưa hồi phục. DN thì rất cần vốn để triển khai dự án, người mua nhà thì không biết tiền của mình có được đưa vào dự án hay không, hay được chủ đầu tư làm việc khác; Nhà thầu làm cho chủ đầu tư nhưng cũng không biết chủ đầu tư có đủ khả năng thanh toán hay không.
Nắm bắt được nguồn cầu về vốn của DN, khách hàng, nhà thầu và chủ đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai những gói tín dụng với một cơ chế hợp lý để nối kết, khai thông những huyết mạch của thị trường thông qua các chương trình tín dụng của các ngân hàng, kỳ vọng sẽ giúp hoàn thành các dự án BĐS, cũng như giúp tiêu thụ được những sản phẩm.
*
Trong khi dư luận vẫn còn băn khoăn về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng diễn ra rất chậm, liệu gói tín dụng thương mại 50.000 tỷ đồng có “bắt” đúng “bệnh” của thị trường BĐS hiện nay không, thưa ông?
Chúng ta cần phải nhìn nhận và xác định rõ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là gói cho vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp. Còn gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại, không phải là ngân sách hỗ trợ cho thị trường. Số tiền này sẽ tập trung vào giải ngân chuỗi cung ứng khép kín giữa 4 nhà và giải quyết phần nào về vốn cho các DN đang triển khai các dự án dở dang.
Hơn nữa, mặc dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã giảm nhưng các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay này. Trước tình hình đó, VNCB triển khai gói tín dụng này nhằm kích cầu, cũng như giải phóng hàng tồn kho VLXD, sản phẩm căn hộ BĐS.
Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả gói tín dụng 50.000 tỷ đồng này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố của thị trường, như: niềm tin của khách hàng, DN, nhà đầu tư…
*
Vậy, theo ông để giải quyết được vấn đề cung – cầu trên thị trường BĐS hiện nay cần có những chính sách gì?
Trước tiên, cần củng cố niềm tin của các thành viên tham gia thị trường BĐS, đặc biệt là khách hàng để “hâm nóng” thanh khoản. Muốn vậy, vai trò của ngân hàng đóng vị trí quan trọng trong chuỗi liên kết giữa các thành viên để gỡ “nút thắt” cho thị trường hiện nay.
Một trong những “chứng bệnh” của thị trường BĐS hiện nay là “đói vốn” nên càng có nhiều nguồn vốn đổ vào càng giúp kích cầu đầu ra. Khi nguồn vốn được thông suốt sẽ giúp cho các các dự án dang dở đẩy nhanh được tiến độ, giúp dự án có đủ vốn để triển khai. Để cung gặp cầu, cần khơi thông được những “nút thắt” trên thị trường về vốn, cơ cấu sản phẩm hướng tới người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường sự, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong kiểm soát dòng tiền; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.
Tóm lại, giải pháp lúc này đối với thị trường BĐS là tiếp tục có sự hỗ trợ của chính sách để chủ đầu tư dự án được vay vốn với mức lãi suất thấp, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư chạy thủ tục làm dự án nhanh hơn nhằm hạn chế được chi phí lãi vay và chi phí cơ hộ.
*
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Tài chính