Mặc dù chưa giải ngân xong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, song thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục đề xuất thêm gói tín dụng 50.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu gói 50.000 tỷ này có tiếp tục đi vào dấu chân của gói tín dụng 30.000 tỷ?
Mặc dù chưa giải ngân xong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, song thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục đề xuất thêm gói tín dụng 50.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu gói 50.000 tỷ này có tiếp tục đi vào dấu chân của gói tín dụng 30.000 tỷ?
Thị trường BĐS được đánh giá là đã hồi phục và sẽ có nhiều dấu hiệu cải thiện trong năm 2015. Song, phân khúc nhà ở giá thấp mới là phân khúc chính, được giao dịch nhiều trong năm 2015. Nói như PGS.TS Đặng Hùng Võ thì năm 2015, chắc chắn thị trường BĐS sẽ ấm hơn và giao dịch nhiều hơn.Tuy nhiên, nhà giá rẻ vẫn là phân khúc chủ đạo. Ông Hà Nghiệm- Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đại Việt cũng cho rằng, trong năm 2015, số lượng giao dịch tập trung chủ yếu sẽ nhằm vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Theo ông Nghiệm, đây cũng chính là phân khúc dẫn dắt thị trường nhà ở trong năm nay. |
Tại Hội thảo Khoa học quốc gia - Kinh doanh bất động sản (BĐS) cơ hội và thách thức trong đà hồi phục của thị trường diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại. Lãi suất cho vay của gói hỗ trợ này sẽ là 7%/năm kéo dài trong suốt 10 năm. Lãi suất những năm sau đó thả nổi theo lãi suất ngân hàng thương mại.
Gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới cho thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại, khi mà suốt hơn 2 năm trời vừa qua, những giao dịch trên thị trường này rất ít ỏi. Theo ông Nam, gói 50.000 tỉ đồng sẽ đi vào thị trường BĐS ở phân khúc trung cấp và cao cấp giúp thị trường BĐS "ấm” đều.
Tuy nhiên, có một điều cần phải nhìn nhận, đó là trước gói 50.000 tỷ vừa được đề xuất nói trên, dư luận cũng đã chứng kiến một số gói hỗ trợ đã được nhà quản lý đưa ra nhằm hỗ trợ thị trường BĐS song không phát huy được hiệu quả. Đơn cử như sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà mà NHNN đưa ra hồi giữa năm 2014 nhằm mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho căn hộ, tồn kho vật liệu xây dựng. Thế nhưng, chỉ sau gần 2 tháng đưa ra, sản phẩm liên kết 4 nhà đã sớm bị "chìm nghỉm”. Điển hình nhất là gói tín dụng 30.000 tỷ mà theo như đánh giá của nhiều chuyên gia ngành địa ốc, gói hỗ trợ này coi như đã không thành công vì không giải ngân được đúng như kỳ vọng.
Được đưa ra từ tháng 6-2013, và dự kiến chỉ giải ngân trong vòng 1 năm, song đến thời điểm này, gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho thị trường BĐS mới chỉ giải ngân được 1/3. Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, tính đến ngày 15-1-2015, số hợp đồng đã ký mới đạt giá trị 10.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng giá trị gói hỗ trợ này. Trong đó, khoảng 6.000 tỷ là dành cho người mua nhà (12.000 hộ gia đình).
Liệu có đi vào "vết xe đổ”?
Mặc dù thị trường BĐS bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, giao dịch trên thị trường này bắt đầu đã có biểu hiện nóng dần lên, thậm chí nhiều dự án nhà ở còn có dấu hiệu tăng giá… Song, trên thực tế, việc hồi phục đó là do tác động của những yếu tố từ nền kinh tế vĩ mô, còn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng không có tác động nhiều. Nguyên nhân đã được mổ xẻ, chủ yếu là do cả người dân và doanh nghiệp đều rất khó tiếp cận gói tín dụng này. Vậy nên, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại, liệu gói tín dụng 50.000 tỷ có đi vào "vết xe đổ” của gói hỗ trợ 30.000 tỷ hoặc gói liên kết 4 nhà nêu trên hay không? Nhất là khi, mục đích của gói tín dụng này lại chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp?.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có những bước cải tiến đối với các thủ tục cho vay từ phía ngân hàng, thì việc các DN và người dân khó tiếp cận với gói hỗ trợ mới này cũng sẽ lại diễn ra, tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS được đánh giá là đã hồi phục và sẽ có nhiều dấu hiệu cải thiện trong năm 2015, song, phân khúc nhà ở giá thấp mới là phân khúc chính, được giao dịch nhiều trong năm 2015. Điều này đã được PGS.TS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định tại một cuộc hội thảo nhận định về xu hướng thị trường BĐS năm 2015 vừa diễn ra mới đây. Cụ thể theo PGS Võ: Năm 2015, chắc chắn thị trường sẽ ấm hơn và giao dịch nhiều hơn, tuy nhiên, nhà giá rẻ vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường.
Nhận định về diễn biến của thị trường nhà ở trong năm 2015, ông Hà Nghiệm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đại Việt cũng cho rằng, trong năm 2015, số lượng giao dịch tập trung chủ yếu sẽ nhằm vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Theo ông Nghiệm, đây cũng chính là phân khúc dẫn dắt thị trường nhà ở trong năm nay.
Với những dữ liệu nói trên, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Liệu gói 50.000 tỷ vừa được Ngân hàng Nhà nước đề xuất hỗ trợ cho thị trường BĐS có hiệu quả hay không khi chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở trung và cao cấp? Một điều quan trọng hơn, nếu gói tín dụng này đưa ra nhưng các thủ tục cho vay vẫn khắt khe và rườm rà, mất nhiều thời gian… thì sẽ lại có thêm một gói hỗ trợ thị trường BĐS ì ạch giống như gói hỗ trợ 30.000 tỷ.