Gói 30.000 tỷ đồng, cái sảy nảy cái ung

Cập nhật 04/08/2014 11:06

Đến thời điểm này, hầu hết những vướng của gói 30.000 tỷ đồng mà thị trường đề cập đã được giải quyết. Tuy nhiên, như một cái “dớp”, hay như các cụ vẫn nói là “cái sảy nảy cái ung”, gói 30.000 tỷ đồng vẫn tắc bởi nhiều điểm nghẽn mới!

Đến thời điểm này, hầu hết những vướng của gói 30.000 tỷ đồng mà thị trường đề cập đã được giải quyết. Tuy nhiên, như một cái “dớp”, hay như các cụ vẫn nói là “cái sảy nảy cái ung”, gói 30.000 tỷ đồng vẫn tắc bởi nhiều điểm nghẽn mới!


Sau hơn 1 năm triển khai, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, đến 31/5/2014, tổng số vốn cam kết cho vay của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là 3.954,4 tỷ đồng, đạt 13,2%. Mặc dù theo Bộ Xây dựng, tốc độ giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2014 đã tăng rất nhanh, nhưng nếu so mới mục tiêu là phải hoàn thành trong 3 năm thì lại… quá chậm.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu chủ yếu của gói hỗ trợ là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở. Ngoài ra, gói tín dụng này một phần hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu mua, thuê nhà ở thương mại có quy mô diện tích vừa và nhỏ, giá rẻ…

Với mục tiêu đó, phần lớn gói 30.000 tỷ đồng này (70%) là dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội với thời hạn 10 năm, hưởng mức lãi suất thấp là 5%/năm. 30% còn lại cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.

Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai thực hiện, gói hỗ trợ mới bộc lộ những “nút thắt” khiến nhiều ý kiến từng cho rằng, nó đã thất bại về mục tiêu. Theo phản ánh của người dân, khó khăn thứ nhất là quy định gói 30.000 tỷ đồng chỉ được phép giải ngân khi khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Điều này chỉ phù hợp với nhà xã hội, nhưng lại không phù hợp với nhà thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2.

Nguyên nhân thứ hai là do các địa phương bất hợp tác khi xác nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội cho khách hàng. Các trường hợp địa phương không xác nhận cũng không có lý do giải thích hoặc xác nhận không đúng theo mẫu quy định đều không thể giải ngân.

Nguyên nhân thứ ba là về phía ngân hàng đã cam kết tiến hành đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ và làm thủ tục giải ngân, nhưng khi thực hiện bao giờ cũng bị chậm lại, do các nhà băng sợ… “thả gà ra đuổi”!

Nguyên nhân thứ tư là người mua nhà không thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói hỗ trợ này.

Sau một thời gian hứa sẽ kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cùng bắt tay nhau tháo gỡ khó khăn, đến thời điểm này hầu hết những vướng mắc kể trên đã được giải quyết. Tuy nhiên, như một cái “dớp” hay như các cụ vẫn nói là “cái sảy nảy cái ung”, gói 30.000 tỷ đồng vẫn tắc bởi nhiều điểm nghẽn mới!

Đó là việc người thụ hưởng kêu ca thời hạn cho vay ngắn (10 năm), ít ngân hàng triển khai thực hiện (5 ngân hàng). Lại một lần nữa, Bộ Xây dựng hứa sẽ kiến nghị Chính phủ nâng thời hạn cho vay lên 15 năm và bổ sung thêm ngân hàng thực hiện. Tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng đã đồng ý phê duyệt theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Nhưng khi đã thông đầu vào, thì đầu ra lại có vấn đề khi khi nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do việc triển khai các dự án còn chậm. Nguyên nhân, mặc dù đã có các quy định của Chính phủ và của Bộ Xây dựng liên quan đến việc đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư; thủ tục chấp thuận đầu tư; cho phép chuyển đổi cơ cấu dự án…, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án mới cũng như thực hiện việc chuyển đổi, cơ cấu lại dự án.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động…; bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị có khó khăn về nhà ở, được vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở thương mại có giá trị 1,05 tỷ đồng trở xuống, thay vì căn hộ chung cư có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 như quy định ban đầu.

Những kiến nghị nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã đồng ký và sẽ có văn bản chấp thuận trong nay mai.

Hy vọng rằng, sau rất nhiều lần chỉnh sửa, gói vốn hỗ trợ dù “đầu chưa xuôi”, nhưng “đuôi sẽ lọt” để tiếp thêm sức cho những đốm lửa hồi phục đang nhen nhóm trên thị trường địa ốc!
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản