Gói 30 nghìn tỷ: 4 điểm "nghẽn"

Cập nhật 26/12/2013 11:42

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến hết ngày 15/12/2013, ngân hàng xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến hết ngày 15/12/2013, ngân hàng xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng.


Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng cam kết cho 1.450 khách hàng vay 527 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.

Như vậy, sau 6 tháng, gói 30.000 tỷ đồng mới sử dụng được 2% - một tốc độ giải ngân quá chậm. 2% tương đương với 555 tỷ đồng trong số 30.000 tỷ đồng là con số đáng suy ngẫm và nhìn lại. Đáng chú ý, dù các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng như các địa phương đã khẳng định đã dỡ bỏ hầu hết các rào cản về thủ tục, hồ sơ, xác nhận…, song giá trị giải ngân thực tế đến gần cuối năm 2013 cũng chỉ đạt chưa đầy 30% trong tổng số 1.654 tỷ đồng cam kết trong năm nay.

Sau 6 tháng triển khai, kết quả giải ngân vẫn rất thấp, giá trị giải ngân đạt chưa đầy 2% của gói hỗ trợ, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có 4 nguyên nhân: Thứ nhất, do chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.

Thứ hai, có một thực tế là một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay (căn hộ nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Nguyên nhân thứ ba, một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay còn quá thận trọng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn.

Nguyên nhân cuối cùng là trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, thủ tục giao dịch bảo đảm trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng mà hiện nay chưa được điều chỉnh bởi pháp luật có liên quan.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia