Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị nhưng nguồn vốn vẫn là vấn đề đặc biệt khó khăn.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị nhưng nguồn vốn vẫn là vấn đề đặc biệt khó khăn.
Về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, theo báo cáo của 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 26 địa phương đăng ký vay vốn ưu đãi cho 71 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 9.500 tỷ đồng. Trong đó nhu cầu vay vốn hai năm 2010 và 2011 là 5.900 tỷ đồng nhằm đáp ứng chỗ ở cho khoảng 232.800 công nhân.
Về nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị, có 35 địa phương đăng ký vay vốn ưu đãi cho 124 dự án với tổng mức đầu tư là 24.781 tỷ đồng. Trong đó nhu cầu vay vốn năm 2010 và 2011 là 15.300 tỷ đồng, đáp ứng nhà ở cho khoảng 64.000 hộ.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, Nhà nước chỉ có cơ chế, không đầu tư vốn, vì vậy các chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Nhằm thúc đẩy các dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cần phải có nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị vớiThủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam làm đầu mối xác định nguồn vốn dành để cho vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại một số địa phương trọng điểm (dự kiến trong hai năm 2010 và 2011 khoảng 10.000 tỷ đồng). Đồng thời, xây dựng cơ chế vốn vay đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và UBND các địa phương xác định danh mục các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi của Chính phủ theo thứ tự ưu tiên, phân bổ vốn vay theo từng năm, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản liên quan.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư của dự án với lãi suất ưu tiên (6-7%/năm). Thời hạn cho vay dự kiến từ 10-15 năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị