Ngoài vướng mắc về GPMB, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực xây nhà cho người thu nhập thấp - giá rẻ tại TP HCM đều có chung nhận định là hiện nay loại căn hộ...
Ngoài vướng mắc về GPMB, trong các cuộc trao đổi với DĐDN, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực xây nhà cho người thu nhập thấp - giá rẻ tại TP HCM đều có chung nhận định là hiện nay loại căn hộ giá khoảng 10 - 14 triệu đồng/m2 (nhà giá rẻ) đang rất hút hàng, nhưng có rất ít DN quyết định đầu tư vào lĩnh vực này do lãi rất ít, thậm chí không có lãi.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoRea) còn khẳng định DN đầu tư vào lĩnh vực này đối diện với khả năng lỗ rất cao. Chính vì vậy rất ít DN tham gia lĩnh vực này.
DN không mặn mà...
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó GĐ Cty TNHH địa ốc Đất Lành, hiện là DN đầu tiên được phép triển khai thí điểm xây dựng loại căn hộ xã hội - thương mại diện tích từ 45 m2 đến 60 m2/căn, giá từ 12 - 14 triệu đồng/m2 cho rằng đầu tư kinh doanh loại căn hộ này nếu quản lý tốt sẽ có lãi nhưng không cao.
Ông Lê Công Lợi - GĐ Cty xây dựng Trường Thịnh cũng khẳng định: DN chỉ có thể đầu tư kinh doanh loại căn hộ xã hội - thương mại. Trường Thịnh là DN đầu tiên của cả nước xây ký túc xá cho 600 công nhân Cty Pouchen đã 10 năm nay, và luôn luôn bị lỗ trong mảng hoạt động này. Cụ thể Cty đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, chỉ thu được 60 triệu đồng/tháng nhưng phải chi rất nhiều khoản như khoảng 7%/năm lãi vốn vay, bảo dưỡng, bảo vệ, quản lý, điện nước, thuế thu nhập DN... Dù bị lỗ nhưng Cty vẫn duy trì ký túc xá rất tốt là do Cty là DN nhà nước, xác định ký túc xá này là đóng góp cho xã hội..
...Vì chưa được ưu đãi
Ông Nguyễn Phước Đức cho rằng DN không mặn mà đầu tư vào thị phần nhà giá rẻ do chưa được ưu đãi, vẫn được đối xử như tất cả các DN kinh doanh BĐS khác. Cụ thể: Dự án (DA) chung cư Thái An của Cty ông triển khai đã mất hơn 2 năm mà mới vừa được duyệt quy hoạch 1/500, chắc cũng mất thêm 5 - 6 tháng nữa mới duyệt xong DA đầu tư, rồi phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy phép về độ không lưu (độ cao tĩnh không)... từ khi triển khai DA đến khi giao nhà phải mất khoảng 5 năm. Trong thời gian dài như vậy, DN phải chịu nhiều phí tổn như trả lãi vay, bị trượt giá đất - giá vật liệu xây dựng và hàng loạt chi phí khác, làm vỡ kế hoạch và làm tăng giá thành.
Ông Lê Huỳnh Cương Nghị - TGĐ Cty CP phát triển căn hộ Nam Long ADC, cho rằng: Chính vì lãi thấp nên DN phải có cách quản lý tốt, quay vòng vốn nhanh mới đảm bảo có lời. Theo các DN, nhà nước phải cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đặc biệt, không đối xử như dạng kinh doanh đơn thuần. Cụ thể như: miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất; ưu tiên giải quyết các thủ tục; cho khách hàng và DN chủ đầu tư DA được vay vốn ưu đãi...
Ông Nghị khẳng định: Chỉ cần được Nhà nước giao hoặc cho DN ông thuê đất thì giá thành sẽ giảm 20 - 30%... Để có lãi, DN phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, tổ chức khoa học và hiệu quả. Ông Đức thì góp ý: Hiện đất đô thị rất đắt, nhưng Luật Xây dựng chỉ cho phép xây chung cư tối đa 6 tầng rất lãng phí đất, đề nghị nên cho phép xây chung cư cao hơn mà vẫn bảo đảm các quy định an toàn, an ninh, công trình quốc gia, các tiện dụng cho người dân. Luật XD quy định lấy tổng diện tích đất DA chia cho 4 để cho ra tổng số căn hộ được phép xây, nay đề nghị lấy tổng DT này chia cho 2 nhằm tăng số căn hộ trong cùng một diện tích lên gấp 2 lần. Theo các DN, một khi có đồng bộ các chính sách ưu đãi đối với nhà giá rẻ sẽ giúp người dân dễ mua được nhà hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp