Lợi nhuận ít, ưu đãi chưa hấp dẫn nên nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn quay lưng với dự án nhà giá thấp.
Lợi nhuận ít, ưu đãi chưa hấp dẫn nên nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn quay lưng với dự án nhà giá thấp.
Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh nhu cầu nhà giá thấp diện kinh doanh hiện nay rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà đầu tư vào phân khúc thị trường đầy tiềm năng này. Như ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng Giám đốc Công ty Nam Long ADC, nhận xét: Nhà nước thì cứ nói sẽ hỗ trợ tối đa, doanh nghiệp hứa tham gia nhiệt liệt nhưng cho đến nay vẫn rất ít nhà giá thấp và rất ít người thu nhập thấp tậu được nhà.
Bỏ ra tiền chẵn, lượm về tiền lẻ
Ông Nghị cho biết các dự án nhà giá thấp muốn bán với giá 200-300 triệu đồng/căn thì phải có sẵn quỹ đất hoặc đất dự kiến giải tỏa bồi thường với giá rất rẻ. Nhưng nếu hiện nay giá đất thực tế đã lên cao mà doanh nghiệp vẫn áp dụng theo giá đã mua từ lâu thì không tính đúng, tính đủ chi phí. Làm xong dự án đó rồi thì về lâu dài liệu còn ai làm tiếp nữa không nếu giá bồi thường đất đã tốn 5-6 triệu đồng/m2.
“Cái gốc vấn đề là đầu tư dự án nhà giá rẻ thì lợi nhuận thấp trong khi thủ tục, chính sách cho nhà giá thấp và căn hộ cao cấp cũng y như nhau. Dĩ nhiên như thế doanh nghiệp không mặn mà làm nhà giá thấp” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, nói. Công ty Hòa Bình House cũng cho biết lợi nhuận chỉ đạt được tối đa là 10% nếu công ty này đầu tư dự án nhà giá thấp 200-300 triệu đồng/căn ở huyện Nhà Bè sắp tới đây. “Xây nhà giá thấp giống như nhà đầu tư bỏ ra tiền chẵn, lượm về tiền lẻ trong khi chính sách, đãi ngộ thì không có” - ông Lê Tiến Vũ, Giám đốc marketing Công ty Đất Xanh, bình luận.
Công ty Hòa Bình House đăng ký xây nhà giá thấp tại Nhà Bè bởi sẵn có quỹ đất, đồng thời cũng được thông báo rằng sẽ có chính sách ưu đãi nếu đầu tư nhà giá thấp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay, miễn giảm tiền sử dụng đất, thủ tục nhanh hơn... Tuy nhiên, những chính sách này chỉ được chính quyền hứa hẹn chứ chưa có văn bản chính thức sẽ được ưu đãi những gì. “Nếu càng nhiều công ty cùng cạnh tranh thì giá cả càng thấp, chất lượng càng cao. Muốn vậy, chính sách của nhà nước phải chứng minh rằng các doanh nghiệp đầu tư vào nhà giá thấp thì mất ít, được nhiều chứ không phải ngược lại” - ông Nghị nói.
Tiêu chuẩn cao khó với tới
Theo ông Đực, những ưu đãi cho doanh nghiệp như cho vay vốn không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia xây nhà giá thấp bằng những chính sách cởi mở, thông thoáng về quy hoạch và thủ tục. Nhiều doanh nghiệp khác cho biết do không có chính sách ưu đãi phù hợp cho nhà giá thấp là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư không tha thiết nhảy vào lĩnh vực này.
“Các con số về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, về dân số theo quy hoạch quá lý tưởng mà không phù hợp thực tế” - ông Đực nói. Chẳng hạn khu đất ở cầu Tham Lương (quận 12) của Công ty Đất Lành hệ số sử dụng đất là 2,5%, có nghĩa là 1 m2 đất thì được xây 2,5 m2. Trừ đi phần không bán cho khách hàng như đường, công viên... thì doanh nghiệp bán được 2 m2. Với giá bồi thường 1 m2 đất khoảng 10 triệu đồng, cộng thêm tiền xây dựng, hệ số rủi ro..., giá bán ra phải 13 triệu đồng/m2 thì doanh nghiệp mới có lời. Hoặc về dân số, khu này theo quy hoạch là 10 m2/người nên 1 ha đất được tối đa 1.000 người. Trung bình một căn hộ bốn người thì doanh nghiệp chỉ được xây dựng 250 căn. Số căn hộ ít, chi phí lớn, suất đầu tư cao thì buộc lòng doanh nghiệp không thể bán giá quá thấp cỡ 6-7 triệu đồng/m2 nhà được.
Quy định diện tích tối thiểu căn hộ phải là 45 m2 cũng làm trói tay các doanh nghiệp muốn xây nhà 30-40 m2 dành cho người độc thân hoặc căn hộ hai người. Ông Nghị cho biết ở các nước tiên tiến vẫn có loại hình nhà nhỏ, thậm chí chừng 20 m2. Căn hộ này chỉ có một nhà vệ sinh vừa đủ, không có bếp mà chỉ có lò hâm thức ăn và không gian dành để ngủ.
Theo ông Đực, nhà thu nhập thấp mang tính chất đặc thù nên phải chấp nhận bớt đi một phần lý tưởng. Cần tăng hệ số sử dụng đất, tăng mật độ xây dựng, nhất là cho phép tăng quy mô dân số, chẳng hạn từ 1.000 người/ha đất lên 1.200 người/ha đất. Một người được ở căn hộ nhỏ 20-30 m2 mà khang trang, sạch đẹp còn hơn nhồi nhét trong các khu nhà trọ tồi tàn, tạm bợ hiện nay. “Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó” - ông Đực nói.
Đề án nhà giá thấp chưa khả thi
Ngày 31-3, Bộ Xây dựng đã công bố dự kiến chính sách ưu đãi của Chính phủ để phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp. Theo đó, nhà ở giá thấp là loại nhà ở chung cư có diện tích tối đa 70 m2, do các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán (trả tiền một lần hoặc bán trả góp) cho các đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, nhà ở giá thấp cũng có những ưu đãi tương tự như nhà ở xã hội cho công nhân, sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Các chủ đầu tư dự án được phép điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với quy định hiện hành. Chủ đầu tư dự án được áp dụng thuế VAT bằng 0% đối với các hợp đồng thuê nhà ở công nhân, hợp đồng bán nhà ở giá thấp, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Tuy nhiên, đề án lại ràng buộc đối tượng được mua nhà ở thương mại giá thấp phải là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các thành phần kinh tế chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5 m2/người và phải có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng. “Một triệu rưỡi đồng ở TP.HCM không đủ ăn, nói chi đến chuyện mua nhà. Các đối tượng này nếu nói rằng được thuê nhà ở xã hội với giá thuê mười mấy ngàn đồng/m2/tháng thì còn hy vọng. Chính sách phải thực tế và khả thi để người dân đừng mừng hụt. Đừng lấy hiện tượng có một, hai dự án nhà giá rẻ mà nghĩ rằng có thể nhân rộng dễ dàng” - ông Đực thẳng thắn nói.
Đề án trên mới chỉ là kiến nghị, chưa được ban hành chính thức để áp dụng thử xem độ rung của nó đối với các doanh nghiệp và người có thu nhập thấp ra sao.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nhà giá thấp vì ba lý do: lòng tốt của doanh nghiệp; một chiêu thức PR cho doanh nghiệp hoặc nhà giá cao bán không được nên phải chuyển sang nhà giá thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP