Giúp kiểm soát quá trình phát triển đô thị

Cập nhật 24/11/2011 16:15

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đồ án quy hoạch phân khu, bước tiếp theo của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải hoàn thành trong quý II năm 2012. Do đó, các sở, ngành phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao để Quy hoạch chung sớm trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống.


Khách tham quan triển lãm Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Images: Thanh Hải
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đồ án quy hoạch phân khu, bước tiếp theo của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải hoàn thành trong quý II năm 2012. Do đó, các sở, ngành phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao để Quy hoạch chung sớm trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đã phải thốt lên "đề bài" của đồ án Quy hoạch chung là quá khó.

Nan giải rà soát dự án

Những vấn đề đặt ra trong việc xử lý các vấn đề tồn tại như những dự án không phù hợp với quy hoạch, những lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, tiếng nói của các chủ thể trong quá trình triển khai quy hoạch như chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân…, tất cả đều hóc búa.

TS Đào Ngọc Nghiêm, người đã tham gia vào đồ án Quy hoạch chung Thủ đô năm 1998 cũng đồng tình với quan điểm đồ án lần này có nhiều vấn đề hóc búa mà Hà Nội phải giải quyết. "Chỉ riêng vấn đề thế nào là "hiện đại" cũng đã khó rồi, còn vấn đề rà soát để đi đến quyết định điều chỉnh, thậm chí dừng hẳn đối với các dự án nằm trong khu vực hành lang xanh, nêm xanh thì quả thực là nan giải. Để thực hiện đúng quy hoạch cần có cơ chế rất rõ ràng bởi trước đây nhiều dự án triển khai đã được phê duyệt quy hoạch, được cấp phép hẳn hoi, đâu phải doanh nghiệp tự ý làm bừa" - TS Nghiêm nói.

Công bố của Sở Quy hoạch Kiến trúc hơn một năm trở về trước về việc tạm dừng triển khai 16 dự án, trong đó có tới 8 dự án về bất động sản đã tạo nên những thông tin trái chiều (kể cả từ phía Bộ Xây dựng), thậm chí còn vấp phải sự phản ứng dữ dội của một vài chủ đầu tư có dự án nằm trong "cửa tử" . Tuy nhiên, sau một quá trình tranh luận thì rốt cuộc việc tạm dừng các dự án của Hà Nội hoàn toàn có đủ căn cứ, giúp hạn chế được những tổn thất về kinh tế do có sự thay đổi trong định hướng quy hoạch của nhiều khu vực. Theo ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thành viên của tổ rà soát dự án, đồ án, có nhiều nguyên nhân để tạm dừng các dự án trên, trong đó có 8 dự án cụm công nghiệp, làng nghề nằm trong phạm vi phát triển đô thị và 7 dự án có vị trí trong phạm vi hành lang xanh hoặc ảnh hưởng bởi hướng tuyến của trục H ồ Tây - Ba Vì.

Ứng xử thế nào?

Câu hỏi mà giới chuyên môn và cả những người trong cuộc, bao gồm cả các doanh nghiệp có liên đới là liệu thành phố sẽ ứng xử như thế nào đối với hàng loạt dự án đã được phê duyệt trước đây (?). Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trong lần gặp gỡ mới đây với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã tỏ rõ quan điểm khi khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ chủ động phối hợp với Hà Nội trong việc cụ thể hóa Quy hoạch chung trên nguyên tắc vừa làm vừa điều chỉnh nhằm bảo đảm tính hiệu quả, cùng tháo gỡ các vấn đề khó khăn. Bộ trưởng sẽ trực tiếp cùng với Hà Nội triển khai xác lập các quy hoạch phân khu trong thời gian tới.

Về triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ phải triển khai số lượng quy hoạch rất lớn từ quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Đây là cơ sở để triển khai hàng loạt các dự án phát triển đô thị, nhà ở, nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng. Đồng thời, giúp kiểm soát quá trình phát triển của đô thị.

Trong lúc 16 dự án, đồ án vẫn chưa tỏ tường về số phận của mình, thì mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề xuất với Thành phố với quan điểm cho rằng tổ rà soát các dự án, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội mở rộng đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Như vậy, việc rà soát các dự án, đồ án vẫn chưa có hồi kết. Và khả năng là các chủ đầu tư còn phải thấp thỏm bởi theo lộ trình thì đến năm 2012 mới hoàn tất các quy hoạch phân khu của đô thị trung tâm.



DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị