Giữ lửa trong băng

Cập nhật 10/06/2013 15:43

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã chính thức được tung ra từ ngày 1-6. Không khó để thấy sự háo hức và trông đợi của người dân dành cho nguồn tiền ưu đãi này.

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã chính thức được tung ra từ  ngày 1-6. Không khó để thấy sự háo hức và trông đợi của người dân dành cho nguồn tiền ưu đãi này.

Mặc dù vay được hay không còn tùy thuộc vào ngân hàng có rộng cửa, nhưng không thể phủ nhận sức nóng của người dân đô thị đối với thị trường BĐS và kỳ vọng những miếng “băng” đông cứng thị trường suốt 2-3 năm nay bắt đầu tan.

Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS, chuyên gia tài chính đã cảnh báo gói 30.000 tỷ đồng tín dụng chỉ là biện pháp tức thời, không mang tính dài lâu. Ngay như vị chủ tịch HĐQT của 1 trong 5 ngân hàng cho vay ưu đãi cũng khẳng định 21.000 tỷ đồng cho vay cá nhân chỉ giải quyết được khoảng 5% nhu cầu.

Từ đây dễ dàng suy ra 9.000 tỷ đồng còn lại dành cho doanh nghiệp cũng chỉ là muối bỏ bể. Như vậy, “lửa” đã được nhóm lên trong “băng”, nhưng những bước đi sau khi có lửa để sức nóng có thể lan rộng mới là điều quan trọng.

4 năm trước, gói kích cầu của Chính phủ đã khiến thị trường BĐS nóng lên nhanh chóng, thậm chí còn gây ra những cơn bong bóng, những đợt sốt ảo, làm nhiều người kỳ vọng khi nguồn tiền được đổ vào, thị trường sẽ tốt lên.

Tuy nhiên, thời điểm này đã khác khi thị trường BĐS đã mất lực và suy kiệt lòng tin, đến mức nhiều doanh nghiệp đã mệt mỏi thừa nhận hoàn toàn bó tay trong các phương thức kinh doanh để kích thích sức mua, bởi người dân không còn mặn mà nữa.

Vì thế, có ý kiến lo ngại rằng sẽ còn nguy hiểm hơn nếu như gói 30.000 tỷ đồng này triển khai không hiệu quả, tệ hơn là bị trục lợi hoặc không minh bạch. Bởi lẽ, nếu xảy ra tình trạng này, sự lệch lạc trên thị trường cũng như suy giảm thêm lòng tin là không thể tránh khỏi.

Và thực tế đã cho thấy, sau 10 ngày triển khai, những mắc mứu, bế tắc, bất cập đã liên tục được đề cập, cùng với đó là sự thở dài của không ít người dân sau khi bước ra khỏi ngân hàng.

Nhiều chuyên gia BĐS đã chỉ ra rằng những bước đi kế tiếp sau khi gói tín dụng hỗ trợ đã đi vào đời sống mới là quan trọng và cần phải khẩn trương, bởi nếu khi sức nóng của “ngọn lửa” này nguội đi, cơ quan chức năng sẽ phải tốn công để “nhóm” lại một ngọn lửa khác.

Nhanh chóng giải quyết tồn kho BĐS, chấm dứt lãng phí thời gian trong việc triển khai các chính sách như chia nhỏ căn hộ, đưa gói tín dụng hỗ trợ lãi suất đi vào đời sống một cách thực chất… có lẽ là cách hiệu quả nhất để ngọn lửa vừa được nhen nhóm trên thị trường BĐS giữ được nhiệt và lan rộng, làm tan khối băng BĐS hiện nay, mà như nhiều báo cáo đã chỉ rõ những gì được nhìn thấy mới chỉ là phần nổi.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu Tư