Ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Thống kê Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, các loại "giấy trắng" vẫn được giao dịch...
Ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Thống kê Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, các loại "giấy trắng" vẫn được giao dịch bình thường. Bộ cũng đang trình Chính phủ phương án gộp "sổ đỏ", "sổ hồng" làm một.
Ông Nghệ cho biết, theo Luật Đất đai, người dân có giấy tờ chứng minh quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất của mình thì được tạo điều kiện tốt nhất làm giấy chứng nhận. Bộ sẽ làm việc với TP HCM để thống nhất nội dung công văn hướng dẫn. Trong thời gian chờ đợi, mọi giao dịch giấy trắng vẫn tiến hành bình thường.
Ông Nghệ cho rằng, hai văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP HCM, về bản chất là giống nhau, chỉ khác về câu chữ. Theo văn bản của TP HCM, nếu người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất, hoặc sở hữu nhà thì phải có đủ hai điều kiện, nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1/11/2007 và có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật Đất đai mới được thực hiện các giao dịch.
Văn bản của Bộ chỉ yêu cầu nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhưng phải hiểu là người nộp cũng đã có các giấy tờ quy định như trên, vì nếu không, thì người sử dụng đất không có căn cứ để nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận.
Về thời hạn hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất, ông Nghệ cho biết, công văn của bộ chốt thời hạn hoàn thành vào 31/12/2010 chỉ với ý nghĩa muốn đẩy nhanh tiến độ việc cấp Giấy chứng nhận. Bộ sẽ trình lên Chính phủ để đưa vào nghị quyết về việc chốt thời hạn này.
Bộ cũng đang trình Chính phủ phương án gộp hai loại giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà theo hướng, trong Giấy chứng nhận sử dụng đất sẽ ghi thêm quyền sở hữu các tài sản trên đất.
Chiều 18/1 tại các phòng công chứng trên địa bàn TP HCM, giấy tờ nhà đất, trong đó có giấy trắng vẫn được chứng nhận giao dịch bình thường và chưa có trường hợp bị ách lại vì hết hạn sử dụng.
Trưởng phòng công chứng số 1(quận 1), ông Phan Văn Cheo nói: "Trưa nay chúng tôi vừa giải quyết một trường hợp giấy trắng bao gồm cả đất và nhà, mọi việc giao dịch vẫn trôi chảy".
Ông Cheo nhận định, trên thực tế, giấy trắng thuần túy (chỉ có đất) ở Sài Gòn không còn nhiều nên không gây rối loạn tâm lý người dân vì hết "đát". Thậm chí, theo ông Cheo, ngay cả những giấy trắng đã sang tay nhiều lần từng được công chứng trước đó vẫn có thể giao dịch bình thường trong thời điểm hiện nay.
Tương tự, Trưởng phòng công chứng số 7 (quận 6), ông Nguyễn Quang Thắng cũng cho hay, mới đây UBND TP HCM và Sở Tư pháp đã có hướng dẫn , các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và công nhận trước đây, kể cả các loại giấy trắng, vẫn được sử dụng.
"Tất cả phòng công chứng đều chứng nhận cho giấy trắng nên chắc chắn giao dịch vẫn ổn thỏa", ông Thắng cho hay.
Tại hội thảo về Thiết kế hệ thống quản lý nhà đất hiện đại ngày 15/1, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Đào Anh Kiệt thừa nhận: "Câu chuyện giấy trắng, giấy đỏ, giấy hồng chẳng qua là một bằng chứng xác nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu, nói bất cứ một loại giấy tờ nào không được giao dịch đều không hợp lý".
Quan điểm của ông Kiệt, thống nhất một loại giấy tờ nhà đất là việc cần làm nhưng cần có lộ trình, không thể tùy tiện.
Điều 66, Nghị định 84, quy định thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận
Kể từ ngày 1/1, người sử dụng đất có giấy chứng nhận hoặc đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo quy định hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật Đất đai, mới được hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Theo Đô Thị