Giật mình với thực trạng… nhà xã hội

Cập nhật 13/06/2013 10:05

Con số mới nhất được công bố cho thấy, thực tế xây dựng nhà xã hội và chuyển đổi sang nhà xã hội không hề nhỏ, diễn ra ở rất nhiều tỉnh thành. Vui có và lo lắng cũng bắt đầu!

Con số mới nhất được công bố cho thấy, thực tế xây dựng nhà xã hội và chuyển đổi sang nhà xã hội không hề nhỏ, diễn ra ở rất nhiều tỉnh thành. Vui có và lo lắng cũng bắt đầu!

Thị trường nhà ở hiện đang thiếu sự đa dạng về chủng loại

Nhu cầu thiết yếu

Cuối tuần qua, dự án nhà ở xã hội thứ 4 trên cả nước đã được triển khai tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đó là dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đồng Dâu, do CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Đại Huệ làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 7.000m2, gồm 2 toà nhà chung cư 12 tầng với tổng diện tích sàn trên 31.000m2, tương đương 350 căn hộ có diện tích từ 30 - 70m2, với giá bán trung bình khoảng 8 triệu đồng/m2 phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Tổng mức đầu tư cho dự án gần 220 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Huệ cho biết, ngay sau khi hoàn tất thông tin về dự án, Công ty đã phát phiếu thăm dò và nhận được đăng ký mua nhà của khoảng 1.200 khách hàng. Như vậy, với số lượng căn hộ cấp ra thị trường chỉ là 350 căn, trong khi nhu cầu của phân khúc thị trường nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn còn rất lớn.

“Nếu được hỗ trợ vốn kịp thời với lãi suất vay ưu đãi theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng dự án để bổ sung nguồn cung”, ông Trung khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô khoảng 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận, chính sách nhà ở trong những năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định, nên một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là tại khu vực đô thị, khu công nghiệp đang rất khó khăn về nhà ở.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện vẫn còn không ít hộ gia đình phải sống trong các căn nhà chật hẹp, chất lượng kém. Cả nước vẫn còn hơn 770.000 hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5 m2/người và hơn 4,6 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân từ 6 - 10 m2/người.

“Thị trường nhà ở thiếu sự đa dạng về chủng loại, đặc biệt là thiếu loại nhà ở có quy mô nhỏ và giá cả phù hợp, thiếu loại nhà ở dành để cho thuê phục vụ các đối tượng thu nhập thấp đang chiếm số đông trong xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.

Điều chỉnh lệch pha cung - cầu

Để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND nhiều tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác để trực tiếp giải quyết các thủ tục, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai nhanh việc điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi mục đích các dự án. Tính đến nay, đã có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ, chủ yếu ở các đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM.

Theo ông Nam, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không chỉ có ý nghĩa thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu về nhà ở thiết thực cho người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách, mà còn góp phần điều chỉnh lệch pha cung - cầu của thị trường bất động sản đang dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn hiện nay.

Thực tế tình hình thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay có dấu hiệu khả quan như trên cho thấy, các giải pháp bình ổn và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách do các Bộ, ngành ban hành trong thời gian qua đã bước đầu phát huy tác dụng và phù hợp.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng thị trường chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại lời cảnh báo của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam rằng: “Làm mà không có sự khảo sát kỹ thị trường, không điều tra cụ thể thì lý thuyết chỉ là lý thuyết. Nếu bạ đâu cũng chia nhỏ, dự án nào cũng chuyển đổi mà không tính đến tiện ích của nó, không cần biết nhu cầu người dân ra sao thì lại gây ra lãng phí”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán