Trong cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra ngày 27 - 12, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN - MT) đã “kéo” luôn sở TN - MT của 64 tỉnh...
Trong cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra ngày 27 - 12, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN - MT) đã “kéo” luôn sở TN - MT của 64 tỉnh, TP vào cuộc nhằm giải đáp những vướng mắc khi thực hiện pháp luật về đất đai. Trong cuộc giao lưu này, số phận “giấy trắng” vẫn chưa rõ ràng.
Đợt giao lưu trực tuyến lần này được tổ chức theo phương thức mới, do các sở TN - MT chủ trì thực hiện thông qua hệ thống giao lưu trực tuyến của các sở.
Giao dịch về đất đai còn rối rắm
“Trong cuộc giao lưu người dân có hỏi kể từ 1.1.2008 giấy trắng còn tiếp tục được giao dịch hay không, song chúng tôi thống nhất trả lời rằng bộ sẽ làm rõ và trả lời bằng văn bản cụ thể sau. Những câu hỏi này không được đưa lên mạng” - ông Nguyễn Khải, vụ trưởng Vụ Đất đai Bộ TN - MT, nói với phóng viên như vậy vào cuối buổi giao lưu. Như vậy, số phận của “giấy trắng” vẫn tiếp tục... chưa rõ.
Tình hình mua bán đất ruộng bằng giấy tay, muốn tách thửa, cấp giấy chủ quyền và xin phép cất nhà là chuyện khá phổ biến ở các quận ven và huyện ngoại thành TP.HCM. Trả lời câu hỏi này với trường hợp cụ thể ở khu đất 43ha tại ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, Sở TN - MT TP.HCM cho biết Trung tâm thu hồi và khai thác quĩ đất phục vụ đầu tư chủ trì thực hiện các thủ tục bồi thường.
Toàn bộ khu đất trên được thu hồi (kể cả phần diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý) để đưa ra đấu giá và dành một phần diện tích đất để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân có đất bị thu hồi trong khu vực.
Cũng theo Sở TN - MT TP.HCM, trường hợp đất đã sử dụng trước thời điểm qui hoạch được xét duyệt, nhưng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận việc sử dụng đất không phù hợp với qui hoạch đã được xét duyệt và đã có chủ trương thu hồi đất thì người sử dụng đất không được cấp giấy chứng nhận nhưng được sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi có quyết định thu hồi đất.
Vẫn còn qui hoạch “treo”
Qui hoạch “treo” và chuyện đền bù giải tỏa là nội dung được người dân thắc mắc khá nhiều. Qui hoạch hồ sinh thái ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM “treo” 15 năm, được Sở TN - MT TP.HCM thông tin: lãnh đạo TP khẳng định chủ trương vẫn tiếp tục thực hiện dự án, qui hoạch vẫn thống nhất qui mô dự án hồ sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc là 369ha và không thực hiện điều chỉnh nhằm đảm bảo lâu dài về môi trường và tài nguyên của TP, nhưng dự án được tách riêng thành ba dự án: bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và hồ sinh thái.
Bộ trưởng Bộ TN - MT
Phạm Khôi Nguyên.
Nhiều vấn đề mấu chốt về đất sẽ được sửa
Bên lề buổi giao lưu trực tuyến về đất đai, tài nguyên, môi trường hôm qua (27-12), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời báo chí về một số vấn đề đất đai đang được người dân quan tâm.
* Nhiều địa phương kêu có quá nhiều thay đổi về chính sách liên quan tới đất đai khiến họ gặp khó khăn trong thực hiện. Việc sửa đổi Luật đất đai tới đây có tránh được tình trạng này không?
Việc thay đổi văn bản hướng dẫn dưới luật như thời gian qua là nhằm phù hợp với thực tế biến đổi rất nhanh và chủ yếu đem lại mặt lợi. Tuy nhiên, đúng là thay đổi nhiều quá thì khó khăn. Thời gian tới những gì mấu chốt nhất, nóng bỏng nhất cần giải quyết thì sẽ điều chỉnh vào trong luật. Hướng của bộ là cố gắng nghiên cứu thật đầy đủ để đến năm 2011, 2012 sẽ ban hành một bộ luật đất đai tương đối đầy đủ và hoàn thiện.
* Thưa ông, hiện nay người dân tại TP.HCM rất băn khoăn với việc “giấy trắng” liệu có được giao dịch từ sau ngày 1.1.2008?
- Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tư pháp và một số cơ quan sẽ sớm ra hướng dẫn để đầu năm 2008 người dân có thể sử dụng được quyền của mình trong vấn đề sử dụng đất để làm sao mang được đất của mình ra thế chấp, vay tiền...
* Còn việc hợp nhất “giấy hồng”, “giấy đỏ” khi nào sẽ được thực hiện?
Theo tôi, trong năm 2008 phải thống nhất một loại giấy vì càng để lâu càng phức tạp. Hiện nay các bộ phận kỹ thuật đang tập trung nghiên cứu xem sử dụng giấy nào là giấy chuẩn. Chúng tôi thấy nên lấy “giấy đỏ” làm giấy chuẩn.
Theo chỉ đạo chung, nếu sử dụng được “giấy đỏ” hợp pháp thì cố gắng tận dụng. Nhưng tiến tới tiếp cận phương án hiện đại thì tất cả giấy cấp trước kia phải đổi ra một loại giấy khác dưới dạng “giấy điện tử” để quản lý trên cơ sở công nghệ thông tin, trên cơ sở mã vạch. Giấy đó ngoài chuyện xác định ranh giới thửa đất, đặc điểm thửa đất, quyền người sử dụng... phải đưa vào tham gia thị trường bất động sản.
Có thể người dân cần giấy đó, có thể không nhưng Nhà nước phải quản lý được đất. Hiện bộ đang lập dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới làm tại chín tỉnh để đến năm 2010 bật máy tính lên biết ngay từng miếng đất thế nào tại chín tỉnh này.
Theo ông Lê Văn Hợp, phó chánh văn phòng Bộ TN - MT, tính đến cuối ngày hôm qua (27 - 12) đã có hơn 2.000 câu hỏi của người dân cả nước gửi tới buổi giao lưu, trong đó có hơn 1.400 câu hỏi gửi tới các sở TN - MT và hơn 600 câu hỏi gửi tới bộ. Sau một ngày giao lưu, đã có trên 50% số câu hỏi được trả lời. Ông Hợp cho biết số câu hỏi còn lại sẽ được bộ và các sở lần lượt trả lời, đưa lên mạng từ nay đến hết ngày 31-12.
Theo Tuổi Trẻ