Ngoài thủ tục hành chính, sự gian nan của những chiếc “sổ đỏ” còn xuất phát từ chính sách.
Sau nhiều lần cải tiến, thì Nghị định 88 của Chính phủ, với quy định mới về việc cấp sổ, không những không tiến được mà lại còn có bước lùi rõ rệt khi mang thêm rắc rối cho hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
“Sổ đỏ”: Vừa ký vừa... run
Việc giải quyết các thủ tục về “sổ đỏ” đòi hỏi người cán bộ phải hết sức công tâm. Ảnh: Chí Cường |
Khó khăn lớn nhất gây ra tình trạng ách tắc “sổ đỏ” hiện nay xuất phát từ nguồn gốc phức tạp của các loại đất, đất không giấy tờ hoặc không rõ nguồn gốc. Đây thực ra là khó khăn cố hữu, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ách tắc “sổ đỏ” từ nhiều năm nay. Sau bao lần sửa đổi, hết nghị định này đến nghị định khác vẫn không có biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết triệt để tình trạng này. Nghị định 84/2007 của Chính phủ, được xem là khá toàn diện, có đến 5 Điều, đưa ra các tiêu chí riêng để xử lý các trường hợp không có giấy tờ.
Tuy nhiên GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: “Thực tế có rất nhiều trường hợp Nghị định khó mà điều chỉnh hết được. Nó phụ thuộc cả chuyên môn và đạo đức của cán bộ xử lý”.
Ông Võ cho biết, khi xử lý thực tế, có những trường hợp mấp mé giữa “vạch vôi” đất được công nhận và lấn chiếm. Ngoảnh bên trái lý luận một hồi thì thấy là được công nhận. Ngoảnh bên phải lý luận một hồi thì lại thấy là không được công nhận. Điều này đòi hỏi người xét duyệt phải hết sức công tâm. Câu chuyện bây giờ là làm sao xử lý các trường hợp không có giấy tờ này, giải quyết một lượt cho xong, người nào được cấp thì cấp ngay, không thì cũng trả lời ngay cho người ta.
Ông Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường quận Cầu Giấy (Hà Nội) thống kê, hiện nay liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà tồn tại đến 5 loại. Với khoảng 60.000 thửa đất trên địa bàn quận Cầu Giấy, ông Tuấn Anh ước chừng riêng hồ sơ lưu trữ có khi phải đến cả chục tấn.
Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, tra cứu. Với những mảnh đất không có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng, việc ký cấp sổ sai đối tượng hay sai lệch diện tích là có thể gây ra khiếu kiện. Ông Tuấn Anh cho biết, đã gặp không ít trường hợp ký cấp giấy mà “vừa ký vừa run”.
Với các loại đất không giấy tờ này, ngoài việc xác định chính xác chủ sở hữu, diện tích ô thửa. Khó khăn còn xuất phát từ việc nộp tiền sử dụng đất. Những mảnh đất loại này thường phải nộp một số tiền sử dụng đất lớn, đây cũng là một rào cản.
Ông Tuấn Anh cho biết, hiện trên địa bàn quận vẫn có vài trăm Giấy chứng nhận chưa có người nhận. Một phần nguyên nhân là do không có tiền nộp tiền sử dụng đất. Hiện có chính sách cho nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 84, nhưng chỉ giới hạn trong trường hợp đất chuyển mục đích sử dụng, thực tế loại này không nhiều.
“Mua thêm việc” cho dân
Trong khi bài toán với những loại đất không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chưa giải quyết được, thì Nghị định 88 có hiệu lực từ 10/12/2009 lại “mua thêm việc” cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý địa phương khi quy định mỗi lần chuyển nhượng bất động sản lại phải cấp một giấy chứng nhận mới.
Việc người dân mỗi lần chuyển nhượng lại phải cấp sổ mới theo tính toán làm cho quy trình cấp giấy kéo dài gấp 3-4 lần trước đây. Nếu theo Nghị định 181 trước đây, mỗi khi phát sinh giao dịch chuyển nhượng đất, văn phòng đăng ký chỉ cần chỉnh lý, ghi thêm vào trang 4 của sổ thì chỉ cần 3 ngày, trong trường hợp chậm cũng chỉ đến hơn chục ngày là xong. Nay với quy định phải cấp sổ mới, thời gian mất đến 45 ngày cho một vụ chuyển nhượng đất đai.
Trước đây theo quy định cũ, việc cho phép chuyển nhượng chỉ cần thực hiện trong nội bộ văn phòng đăng ký, sau khi xác định đủ các loại hồ sơ giấy tờ thì chỉ cần ghi thêm vào trang 4 là xong, nay theo Nghị định 88 lại phải cấp sổ mới. Điều này đồng nghĩa với việc câu chuyện không chỉ trong nội bộ văn phòng đăng ký, vì khi cấp sổ mới sẽ phải qua phòng Tài nguyên Môi trường, thêm một lần đo đạc, rồi lại phải qua UBND quận (huyện), thủ tục kéo lên đến 45 ngày so với 15 ngày như trước đây theo quy định của Nghị định 181.
Thực tế số lượng hồ sơ phải làm thêm trong các chuyển nhượng là không nhỏ. Chẳng hạn như ở quận Cầu Giấy, trong hơn 4.000 trường hợp cấp sổ tính từ thời điểm Nghị định 88 có hiệu lực đến nay đã có đến 2.900 trường hợp là cấp sổ cho các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Như vậy, vô hình chung quy định của Nghị định 88 đã làm chậm tiến độ của vụ chuyển nhượng bất động sản, thêm quy trình khó khăn cho người dân và thêm việc cho cơ quan quản lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình