Gian nan mua nhà giá rẻ

Cập nhật 27/05/2010 14:10

Theo chân những thị dân không nhà tích cực săn tìm nhà dựa trên thông tin rao bán được quảng cáo trên mạng Internet và mục rao vặt của các tờ báo, mới thấy khát vọng an cư lạc nghiệp không chỉ quá xa vời với họ mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ… mất tiền.

Theo chân những thị dân không nhà tích cực săn tìm nhà dựa trên thông tin rao bán được quảng cáo trên mạng Internet và mục rao vặt của các tờ báo, mới thấy khát vọng an cư lạc nghiệp không chỉ quá xa vời với họ mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ… mất tiền.

Không đủ niềm tin, sự kiên nhẫn theo đuổi giấc mộng an cư từ các dự án nhà cho người thu nhập thấp nên nhiều người lao động có mức thu nhập trung bình dấn thân vào hành trình mua những căn nhà diện tích nhỏ với giá tiền dưới 300 triệu đồng.

"Nhà ngon" là dính giấy tay


Sau gần 10 năm trời chắt chiu tằn tiện, chị Thu Trang, hiện trọ tại số nhà 793/42B Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7 có được số tiền 270 triệu đồng. Gần 1 thập kỷ trần thân ở trọ chịu nhiều khổ nhục với đủ mánh lới bóc lột tăng tiền thuê phòng, tăng tiền điện nước… có chút tiền trong tay, chị Trang bừng cháy khát vọng an cư. "Người ta có bạc tỷ thì họ mua nhà cao cửa rộng ở trung tâm thành phố, còn mình có mấy đồng thì kiếm nhà be bé ở vùng ngoại ô mà mua" - chị Trang tâm tình: "Với suy nghĩ ấy mà tôi lên danh sách kiếm tìm. Càng vào cuộc càng thấy… oải".

Địa chỉ tìm đến đầu tiên của chị Trang là ngôi nhà cấp 4 nằm trên đường Phạm Văn Hớn (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), được người bán rao "mới xây đẹp, vào ở ngay, diện tích 4x15m2, giá 260 triệu đồng". Tìm đến nơi, kết ngôi nhà nên chị Trang đề nghị: "Em lấy nhà với điều kiện chị lo chi phí sang tên cho em nghen?". Người đàn bà xưng là chủ nhân căn nhà, trả lời: "Nhà chị có giấy tờ kê khai năm 1999, chưa được cấp sổ hồng nên chị em mình mua bán giấy tay, nghĩa là em đưa tiền cho chị, chị viết giấy biên nhận rồi em dọn đồ đến ở thôi".

Qua đọc báo, nghe quá nhiều chuyện một miếng đất, ngôi nhà mà gia chủ bán cho cả chục người với kiểu giấy tay nên chị Trang đành kiếm tìm hy vọng khác tại ngôi nhà có "diện tích 4x9m2, điện nước đầy đủ, giấy tờ hợp lý, giá 280 triệu đồng" tại hẻm số 14 đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Chủ nhà là một người đàn ông 40 tuổi.

Chị Trang kể chuyện: "Tôi hỏi giấy tờ nhà, ông ta nói với đại ý, cách đây 6 tháng, do kẹt tiền nên đem sổ hồng thế chấp ngân hàng. Nếu tôi đồng ý mua thì ứng trước cho ông ta 60 triệu đồng, ông ta sẽ viết giấy biên nhận rồi dùng tiền đó chuộc sổ về. Tiếp đó tôi sẽ cùng ông ta lên phòng công chứng tiến hành việc mua bán, tôi giao số tiền còn lại, ông ta ký giấy cho công chứng viên chứng thực, vậy là xong. Thấy việc mua bán này quá rắc rối và có phần không ổn nên tôi bỏ cuộc. Sau bận ấy tôi có "săn" thêm một vài căn nhưng nhà ngon ngon một chút đều dính vô cái vụ không có sổ hồng, mua bán giấy tay nên đến giờ tôi vẫn phải đi ở trọ".


Nhà có giấy tờ hợp lệ qúa đắt nên người có thu nhập thấp đành mạo hiểm với nhà giấy tay xây dựng trái phép ở các quận, huyện ngoại thành.

"Có sổ hồng chưa chắc đã ổn"


Đây là khẳng định của anh Nguyễn Văn Bình, 43 tuổi, công nhân ngành in, có thâm niên ở trọ hơn 20 năm và hiện đang ở trọ trên đường Âu Dương Lân, quận 8. Sau khi mất công sức, thì giờ với những ngôi nhà mà chị Trang gặp phải, anh Bình rút kinh nghiệm "Trước khi đến xem nhà là alô hỏi người bán nhà có sổ hồng không, nếu gia chủ nói không thì dứt ngang để chuyển sang hỏi người khác". Nhưng chiêu hỏi trước này cũng không mang lại kết quả như mong đợi.

Anh Bình thở dài: "Kết căn nhà cấp 4 có diện tích 3x9m2, giá 250 triệu đồng, nằm gần trại cá sấu Hoa Cà trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức được người bán ghi rõ "có sổ hồng, chính chủ", tôi mừng quá liên lạc với người bán ngay. Khi thấy ngôi nhà mình sắp mua không có trên bản vẽ - "sổ hồng", tôi thắc mắc thì bà chủ giải thích: "Nhà rộng, chị cắt thành mấy miếng xây bán, nhưng do diện tích dưới 30m2 nên đâu được tách thửa, cấp sổ". Chị ta động viên tôi: "Một dãy vầy đều xài sổ hồng chung do chị đứng tên nên em lo gì".

Từ câu chuyện thực tế của những người đi săn nhà giá rẻ, mới thấy giấc mơ an cư lạc nghiệp của những người có thu nhập trung bình quá xa vời, nói chi người có thu nhập thấp. Và để giấc mơ không tan biến, nhiều người trong đó có chị Trang, anh Bình đang tính nước liều, mua nhà giấy tay với suy nghĩ hên - xui. "Liều một chút mà có nhà ở chứ chờ đủ bạc tỷ thì biết khi nào mua nổi. Khi đủ số tiền mua thì giá nhà leo thang, với sao kịp" - chị Trang thổ lộ!

Luật sư Trần Hồng Phong (Công ty Luật hợp danh Ecolaw - Đoàn Luật sư TP HCM): Mua bán nhà, đất phải đúng luật để tránh rủi ro

Nhà đất là loại tài sản có đăng ký. Do vậy, mọi giao dịch (mua bán, cho tặng, thừa kế…) đều phải tuân thủ theo các qui định của pháp luật. Cụ thể khi mua bán nhà phải thể hiện bằng hợp đồng, qua phòng công chứng, làm thủ tục đăng bộ, đóng thuế… Mọi hình thức giao dịch trái với qui định trên - như mua bán bằng giấy tay - đều trái pháp luật, tính rủi ro cao và thiệt hại luôn thuộc về phía người mua. Muốn đòi lại tiền cũng rất nhiêu khê, nhiều khi được vạ thì má đã sưng. Nếu có tranh chấp sẽ bị Tòa án tuyên là hợp đồng vô hiệu. Nếu không có tranh chấp đi nữa thì cũng rất khó khăn (nếu không nói là không thể) tiến hành các thủ tục hợp pháp tiếp theo.


DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân