Giãn dân phố cổ, dân lo thiếu tiền mua nhà

Cập nhật 17/07/2013 15:05

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ngày 16/7 hàng chục kiến nghị của cử tri tập trung vào nạn lập bãi trông giữ xe chặt chém, bộ mặt đô thị nhếch nhác, di dân phố cổ, lấy phiếu tín nhiệm...

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ngày 16/7 hàng chục kiến nghị của cử tri tập trung vào nạn lập bãi trông giữ xe chặt chém, bộ mặt đô thị nhếch nhác, di dân phố cổ, lấy phiếu tín nhiệm...

Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước tình trạng đô thị nhếch nhác, quản lý lòng đường vỉa hè không nghiêm, xích lô, xe điện gây ùn tắc phố cổ.

Cử tri Đặng Đức Hà (phường Cửa Nam) cho biết, nhiều năm qua hàng trăm hộ dân khu vực quy hoạch nút giao thông Cửa Nam - Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn không được sửa nhà, sống thấp thỏm vì đến nay vẫn chưa được mua nhà theo Nghị định 61.

Trả lời kiến nghị này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, quy hoạch nút giao thông này có từ năm 2000. Nhưng khi triển khai thì lại vướng vào tuyến đường sắt đô thị đi qua đây. Do vậy đang nghiên cứu lại phạm vi thu hồi đất, đồng thời đã chỉ đạo Xí nghiệp Quản lý nhà quận Hoàn Kiếm phải xúc tiến làm thủ tục cho người dân mua nhà theo Nghị định 61.

Cử tri phường Trần Hưng Đạo, phường Cửa Đông cho rằng bộ mặt đô thị của khu vực phố cổ, phố cũ rất nhếch nhác bởi việc sắp xếp nơi trông giữ phương tiện không phù hợp và hàng chục tuyến phố chằng chịt dây điện.

Giải đáp kiến nghị này, ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay ngay trong tháng 8/2013 sẽ tiến hành đồng loạt việc sắp xếp lại và đến năm 2015 sẽ hoàn thành hạ ngầm 50% các tuyến phố cũ.

Về việc di dân phố cổ, cử tri Nguyễn Đình Chiêu, phường Hàng Đào phản ánh: Tại phố cổ đang còn một bộ phận hộ nghèo và họ đang rất lo lắng vì sẽ lấy tiền đâu ra để mua nhà tại nơi ở mới khi mà hàng ngày phải chạy ăn từng bữa.

Mặc dù thành phố có nhiều ưu đãi nhưng ông Chiêu vẫn đề nghị cần có những căn hộ 30-40m2 để người nghèo có thể mua được. Về việc này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết: Giãn dân phố cổ phải di chuyển 6.500 hộ dân với khoảng 26.000 người.

Thành phố đã phê duyệt giai đoạn 1 di chuyển 1.530 hộ dân sang dự án rộng hơn 11 ha thuộc khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Bước đầu sẽ di dời các hộ dân đang sống trong các di tích đình, đền, chùa, trường học, nằm trong nhà nguy hiểm, nơi có mật độ dân số cao, các hộ sống trong các số nhà cổ được bảo tồn nguyên trạng và những hộ dân tự nguyện di chuyển.

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri và yêu cầu các sở ngành, UBND quận Hoàn Kiếm sớm giải quyết thỏa đáng các kiến nghị. Ông Thảo cũng cho rằng, chủ trương cấm hẳn xích lô du lịch và bán hàng rong đã có từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện dứt điểm được do có nhiều ý kiến khác nhau.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong