PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung...
PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh đồ án quy hoạch Vùng Thủ đô.
* Thưa ông, xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong đồ án này ?
Đây là đồ án quy hoạch (QH) Vùng đầu tiên ở Việt Nam và đặc biệt lại là QH Vùng Thủ đô, với Hà Nội là đô thị trung tâm, xung quanh là 7 tỉnh. Lần đầu tiên làm QH lớn, lại là Vùng Thủ đô nên có nhiều khó khăn phải vượt qua. Những quốc gia phát triển như nước Pháp đã có quy hoạch Vùng từ những năm 1930, Vùng Thủ đô Pa-ri bao gồm 8 tỉnh được lập từ năm 1934. Anh cũng là quốc gia đi đầu trong lập quy hoạch vùng. Vùng Thủ đô Luân Đôn được lập năm 1943. Có thể nói chúng ta đi chậm hơn các nước phát triển từ 60 đến 70 năm.
Đáng chú ý nữa là quy hoạch đã định hướng phát triển toàn Vùng đến năm 2020 và tầm nhìn dài hơn, trong đó Hà Nội sẽ giữ vai trò quan trọng trong khu vực châu á. Nếu QH được duyệt thì Vùng Thủ đô sẽ trở thành 1 trong 30 vùng đô thị lớn trên thế giới, với quy mô 8 triệu dân trở lên.
Đối với quy hoạch lớn, mối quan hệ giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh rất quan trọng. Thường thường mối quan hệ này là đi lại, ăn ở và làm việc, vì vậy phải đáp ứng được yêu cầu thời gian đi lại trong 60 phút. Các nước phát triển có hệ thống giao thông cao tốc khối lượng lớn phát triển từ rất lâu. Còn ở ta, hệ thống giao thông công cộng nội đô, nội vùng chưa phát triển, do đó QH xác định phải có 10 tuyến đường sắt nội đô và nội vùng từ Hà Nội tới các tỉnh lân cận.
* Việc điều chỉnh địa giới hành chính có được đặt ra không thưa ông?
Việc điều chỉnh địa giới hành chính không phải là nội dung của đồ án QH xây dựng. Tuy nhiên QH xây dựng có những phân tích khoa học để thấy rằng sự phát triển của đô thị hạt nhân cần có nội dung gì và lan tỏa đến đâu. Ví dụ theo Quyết định 108 của Thủ tướng phê duyệt QH chung Hà Nội, chúng ta có đến vành đai IV. Trong QH Vùng, đường vành đai này được gọi là vành đai Vùng Thủ đô, điều đó có nghĩa đường này không của riêng Hà Nội như Vành đai IV trước đây nữa.
Trong tương lai, khi Thủ đô phát triển, có thể đường vành đai này lại nằm trong địa giới của Thủ đô. Đường này có bán kính tính từ trung tâm Hà Nội khoảng 25 đến 30km, hầu hết đô thị nằm trong vòng bán kính này được gọi là đô thị vệ tinh.
Vành đai thứ hai là vành đai nối các đô thị đối trọng có bán kính khoảng 50 đến 60km. Thủ phủ của các tỉnh xung quanh Hà Nội là đô thị đối trọng. Đô thị đối trọng không thuộc Thủ đô Hà Nội nhưng có trách nhiệm cùng phát triển để giảm bớt sức ép về Hà Nội. Chúng ta đã biết Hà Nội thiếu nghiêm trọng hạ tầng giao thông, nhà ở và nhiều nội dung khác, đòi hỏi phải giảm bớt áp lực phát triển ở nội đô và TP trung tâm.
Việc giảm áp lực đòi hỏi phải là sự thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh để giảm dòng dịch cư từ nông thôn ra Hà Nội, từ đô thị nhỏ ra đô thị lớn. 7 tỉnh lân cận hiện nay tăng trưởng dân số cơ học đều âm, chỉ có Hà Nội là dương. Quan điểm trong QH vùng có khác, trước đây TP vệ tinh được gọi là TP “ngủ”, tức là buổi tối dòng người từ TP trung tâm về đó sinh sống, ban ngày lại từ đó đến trung tâm làm việc, thì lần này TP vệ tinh sẽ là TP phát triển, cũng có cơ sở tạo dựng sản xuất công nghiệp dịch vụ để phân tán bớt dòng người dịch chuyển.
* Đây là QH lớn, đòi hỏi lượng vốn đầu tư khổng lồ, liệu nó có thể rơi vào tình trạng quy hoạch treo như nhiều dự án hiện nay ?
Tôi cho rằng QH trên toàn thế giới đều làm như chúng ta nhưng họ không có khái niệm QH treo, dự án treo. Thuật ngữ này của chúng ta có gì đó cần xem lại. Ngay như QH Vùng thủ đô Pa-ri, từ năm 1934 đã đưa ra phải có 8 đô thị lớn, đến năm 1965 họ điều chỉnh lại chỉ còn 5 đô thị và đến tận năm 2005 họ mới xây xong 5 đô thị mới này. Như vậy thực hiện đồ án quy hoạch cần thời gian nhất định.
Tuy nhiên phải nói rằng, điều quan trọng họ khác chúng ta là tiềm lực kinh tế của họ mạnh, nên quy hoạch vừa được duyệt họ đã có chế tài về đất đai như thu mua, trưng dụng và giao cho đơn vị thực hiện quy hoạch.
* Hà Nội có Đề án TP bên sông Hồng, liệu có chồng chéo với QH vùng không ? Chẳng hạn trong đồ án QH Vùng thì phía Nam sông Hồng được bảo tồn, trong khi theo QH sông Hồng thì hai bên sẽ phát triển mạnh với đô thị hiện đại.
Sẽ không ảnh hưởng bởi QH sông Hồng chỉ là đồ án nhỏ trong đô thị còn QH Vùng là đồ án lớn. Trong QH Vùng đều xác định hướng phát triển, nói là phía Nam bảo tồn không có nghĩa là bảo tồn hết cả.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Hà Nội Mới