Giảm quy mô sân bay Long Thành

Cập nhật 30/03/2014 07:47

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu chủ đầu tư dự án làm rõ hơn, lý giải cụ thể, có tính thuyết phục lý do phải đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu chủ đầu tư dự án làm rõ hơn, lý giải cụ thể, có tính thuyết phục lý do phải đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành

Phương án mới nhất vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chỉnh sửa trình Hội đồng Thẩm định nhà nước thông qua là chỉ xây dựng 1 đường băng.

Quy mô tối thiểu

Trong báo cáo đầu tư trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, ACV đề xuất quy mô giai đoạn 1 sân bay Long Thành với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa, gồm 2 đường băng song song, đáp ứng khai thác loại máy bay thân lớn A380 hoặc tương đương. Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên ACV, chi phí đầu tư giai đoạn 1 bao gồm giải phóng mặt bằng, xây dựng khoảng 5,6 tỉ USD từ nguồn vốn của ACV, ngân sách nhà nước, ODA và cổ phần một số hạng mục đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, cho rằng giai đoạn 1 chỉ nên đầu tư ở quy mô 17 triệu hành khách/năm với 1 đường băng để giảm gánh nặng vốn và tận dụng khả năng khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Về lý thuyết, sân bay có 5 triệu khách/năm trở lên đã phải xây dựng 2 đường băng để bảo đảm khai thác ổn định trong mọi tình huống. Song, TSN chỉ cách sân bay Long Thành 40 km đường chim bay nên có thể là sân bay dự bị, khi có sự cố ở Long Thành vẫn không làm gián đoạn hoạt động bay.

Mô hình sân bay quốc tế Long Thành

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam và giao ACV xem xét, rà soát lại dự án. Theo đó, trong tình hình khó khăn chung hiện nay, chỉ nên phân kỳ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành ở quy mô tối thiểu.

Về việc tại sao phải xây dựng sân bay Long Thành, ACV lý giải đến năm 2016, sân bay TSN sẽ đạt hết công suất 25 triệu lượt khách/năm. Trong khi đó, dự báo lượng hành khách qua lại khu vực TP HCM vào năm 2020 khoảng 30,3 triệu người, năm 2030 khoảng 53,4 triệu người nên cần phải xây dựng một sân bay quốc tế cấp 4F có công suất 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, vừa có khả năng chia sẻ gánh nặng cho sân bay TSN vừa có chức năng trung chuyển quốc tế trong khu vực.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ACV cần làm rõ hơn sự cần thiết phải đầu tư dự án. Theo đó, lý giải cụ thể, có tính thuyết phục lý do đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

Vì sao cần lấy 5.000 ha đất?

Trước đó, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã có phiên họp lần 2 với ý kiến đồng thuận cao về việc chọn phương án xây dựng sân bay Long Thành, loại bỏ phương án mở rộng sân bay TSN hoặc cải tạo sân bay Biên Hòa.

Hội đồng Thẩm định nhất trí đây là phương án tối ưu vì theo luận cứ của chủ đầu tư  - ACV, chi phí xây sân bay Long Thành (giai đoạn 1) chỉ khoảng 7,817 tỉ USD, trong đó cần di dời 1.500 hộ dân, chi phí thu hồi đất là 730 triệu USD. Nếu mở rộng sân bay TSN, chi phí đầu tư lên đến 9,15 tỉ USD và phải di dời 140.000 hộ dân. Còn theo phương án cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa, chi phí xây dựng là tương đương nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 4,6 tỉ USD và phải bố trí một căn cứ không quân thay thế. Hơn nữa, khu vực sân bay Biên Hòa bị nhiễm dioxin, cần chi phí rất lớn để tẩy độc nên phương án này không khả thi.

Dù thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng sân bay Long Thành song Hội đồng Thẩm định nhà nước vẫn đề nghị ACV làm rõ hơn về nguồn vốn, phân kỳ đầu tư. Đặc biệt, phải tính toán kỹ nhu cầu sử dụng đất - vì sao cần tới hơn 5.000 ha, trong đó có nhiều diện tích trồng cây công nghiệp giá trị?

Ông Lại Xuân Thanh cho biết diện tích sử dụng đất 5.000 ha là đã tính toán trên cơ sở so sánh với các sân bay quốc tế trong khu vực. Sân bay Suvarnabhumi - Thái Lan có quy mô giai đoạn 1 là 45 triệu hành khách và 2 đường băng, được quy hoạch 3.200 ha. Sân bay Kuala Lumpur - Malaysia có quy mô 50 triệu hành khách và 2 đường băng cũng được quy hoạch 2.500 ha…

Về phân kỳ đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng nếu giải phóng mặt bằng cho cả diện tích 5.000 ha sẽ có lợi ích kinh tế hơn, vì tổng kinh phí khoảng 800 triệu USD, người dân không bị quy hoạch treo. Nếu giải phóng mặt bằng 2.500 ha để làm giai đoạn 1, kinh phí chỉ 250 triệu USD nhưng đến giai đoạn 2 thì có thể đội chi phí rất lớn do diễn biến thực trạng đất trong quy hoạch đã khác.

3 giai đoạn đầu tư

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, sân bay Long Thành dự kiến phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020), hình thành một sân bay công suất 25 triệu hành khách/năm, đưa vào khai thác để hỗ trợ tình trạng quá tải của cảng hàng không TSN. Giai đoạn 2 (đến năm 2030), nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm theo nhu cầu phát triển khai thác hàng không. Giai đoạn 3 (sau năm 2030), nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm và Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động