Giảm diện tích căn hộ tối thiểu xuống 25m2

Cập nhật 02/04/2013 08:40

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau hơn 5 năm Luật Nhà ở đi vào cuộc sống, nhiều quy định của Luật đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với tình hình mới.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau hơn 5 năm Luật Nhà ở đi vào cuộc sống, nhiều quy định của Luật đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với tình hình mới.

Cho phép làm căn hộ nhỏ

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đơn vị được Bộ Xây dựng giao chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, cho biết, mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi lần này là để thống nhất với Chiến lược quốc gia về nhà ở đã được phê duyệt, đồng thời để phù hợp với đòi hỏi của thực tế.

Theo đó, Dự thảo sẽ bổ sung thêm một số quy định như xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của người dân và toàn xã hội trong việc phát triển nhà ở xã hội cho 8 nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở; quy định bắt buộc chính quyền địa phương phải quy hoạch, dành diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê; đặc biệt là nâng yêu cầu về tỷ lệ xây dựng nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị từ loại 3 trở lên từ 20 - 60% như hiện hành lên 30 - 80%.

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản

Theo quy định hiện hành, diện tích tối thiểu của căn hộ thương mại là 45 m2. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy, việc quy định diện tích tối thiểu như vậy chưa phù hợp, do nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ hơn, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình còn rất lớn. Do đó, dự kiến sẽ giảm diện tích tối thiểu nhà ở thương mại xuống 25 m2.

Về phát triển nhà ở xã hội, Dự thảo sẽ bổi sung thêm một số quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội, về quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, về lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội theo hình thức chỉ định, đấu thầu dự án, các cơ chế ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, diện tích tối thiểu giảm từ 30 m2 xuống còn 25 m2 và không khống chế số tầng cao…

Tháo gỡ tranh chấp tại chung cư

Một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tranh chấp chung cư là những quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Luật hiện hành mặc dù đã có quy định về vấn đề này, nhưng chưa đầy đủ và rõ ràng, nên dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện trong sử dụng nhà chung cư. Hiện nay, trong khi chưa có một đạo luật riêng về quản lý nhà chung cư như nhiều nước trên thế giới, nên Ban soạn thảo cho rằng, cần tách nội dung này thành một chương riêng để quy định đầy đủ các vấn đề về quản lý nhà chung cư. Cụ thể, quy định về phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư; quy định về các hành vi nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư; quy định về bảo trì, cải tạo nhà chung cư; quy định về quản lý vận hành nhà chung cư…

Ngoài ra, một số nội dung mới cũng sẽ được bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi như tài chính về nhà ở. Nội dung này quy định cụ thể về việc huy động vốn để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ; quy định về các tổ chức tài chính như các tổ chức tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư tín thác bất động sản; công ty tài chính nhà ở; hợp tác xã nhà ở…

Đặc biệt, Dự thảo sẽ bổ sung thêm hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cho phù hợp với thực tế; bổ sung thêm quy định về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai…

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, theo dự kiến ban đầu, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội vào kỳ hợp cuối năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn trình Dự thảo Luật vào kỳ họp đầu năm 2014 để lấy ý kiến lần đầu và sẽ thông qua vào kỳ họp cuối năm 2014.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán