Giải tỏa nỗi niềm nhà tái định cư

Cập nhật 04/11/2014 14:36

Việc các khu nhà ở tái định cư (TĐC) xuống cấp nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn sử dụng cho thấy, thương hiệu về dạng nhà ở này đang bị ảnh hưởng và tụt dốc nghiêm trọng. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với sự quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý và phát triển nhà ở TĐC đang mang nhiều kỳ vọng về sự giải tỏa những hạn chế, vướng mắc, để dạng nhà này đáp ứng tốt hơn cả lượng và chất cho đại bộ phận người dân.

Việc các khu nhà ở tái định cư (TĐC) xuống cấp nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn sử dụng cho thấy, thương hiệu về dạng nhà ở này đang bị ảnh hưởng và tụt dốc nghiêm trọng. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với sự quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý và phát triển nhà ở TĐC đang mang nhiều kỳ vọng về sự giải tỏa những hạn chế, vướng mắc, để dạng nhà này đáp ứng tốt hơn cả lượng và chất cho đại bộ phận người dân.

Nhiều hạng mục tại nhà A1, Khu TĐC Đền Lừ 2 bị xuống cấp nghiêm trọng.

Giải tỏa định kiến

Được xây mới nhưng chất lượng thua kém nhiều khu chung cư cũ, nhà ở TĐC lâu nay đã trở thành định kiến về chất lượng, dịch vụ cũng như hạ tầng kỹ thuật. Đây là thực tế đã được phản ánh tại nhiều khu nhà ở TĐC của Hà Nội như Đền Lừ, Đồng Tàu hay Nam Trung Yên… Đặc biệt, tại khu TĐC Đền Lừ 2 (Hoàng Mai - Hà Nội), tình trạng xuống cấp đã ở mức báo động. Từ khu nhà A1 đến A5 tường, móng đã bị vênh nứt toàn bộ, riêng khu nhà A1, hệ thống tường móng, đường ống vệ sinh, thang máy đã bị hư hỏng nặng.

Trước thực tế này, trung tuần tháng 5/2014, Bộ Xây dựng đã ra quyết định 547/QĐ-BXD về kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, chất lượng sống tại các khu nhà ở TĐC, nhà ở xã hội. Đồng thời, tiếp tục tiếp thu lấy ý kiến để soạn thảo các nội dung về quản lý và phát triển dạng nhà này để đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là những hành động kịp thời nhằm ổn định và đưa nhà ở TĐC phát triển theo hướng bền vững và lâu dài. Nhằm cụ thể hóa những nội dung này, ngày 31/10, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, khắc phục các tồn tại về chất lượng khu TĐC Đền Lừ 2 và báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng trước ngày 30/11/2014.

Đây là một tin vui cho những người dân sống tại khu TĐC này, bởi lời nguyện cầu của họ đã được cơ quan chức năng, các nhà quản lý chia sẻ và giải tỏa kịp thời. Bà Nguyễn Thị Phê - Tổ trưởng tổ dân phố 84, nhà A1 cho biết: Toàn bộ khu TĐC Đền Lừ 2 đã xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ khu dịch vụ tầng 1 nhà A1 đã phải di dân và quây tôn vì sắp đổ. Nếu được Bộ Xây dựng và UBND TP quan tâm cho khắc phục thì đây là niềm vui lớn cho chúng tôi.

Bà Tô Thị Ánh Tuyết - Tổ trưởng nhà A5 khu TĐC Đền Lừ 2 cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu nhưng có lẽ, giờ này những lá đơn mới phát huy tính hiệu quả. Tôi hy vọng, phía nhà quản lý sẽ làm chặt chẽ hơn để đảm bảo cho những hộ dân như chúng tôi có được cuộc sống bình yên, an cư lạc nghiệp.

Trước những bức xúc của người dân, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị có liên quan mở rộng phạm vi kiểm tra khu TĐC, nhà ở xã hội trên địa bàn TP, nếu phát hiện hư hỏng sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.

Quan tâm nhiều hơn đến phát triển nhà TĐC

Trước những bất cập trong quản lý, phát triển nhà ở TĐC, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng dành một mục riêng về nâng cao năng lực quản lý cũng như tạo tiền đề cho dạng nhà ở TĐC phát triển bền vững theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, về Quản lý chất lượng nhà ở để phục vụ TĐC, tại Điều 41 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã nêu rõ: “1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ TĐC phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng; 2. Các công trình được xây dựng trong dự án nhà ở để phục vụ TĐC chỉ được nghiệm thu để đưa vào sử dụng khi đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về xây dựng. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ TĐC không được thay đổi thiết kế diện tích nhà ở TĐC sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án bố trí nhà ở TĐC; 3. Cơ quan có thẩm quyền chỉ bố trí TĐC khi nhà ở phục vụ TĐC đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt và đã có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt”.

Cũng theo dự thảo Luật, trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở để phục vụ TĐC bao gồm: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở để phục vụ TĐC; Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT đối với nhà ở để phục vụ TĐC được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT; Chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được dùng để bố trí TĐC.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến các khu nhà ở TĐC xuống cấp là do các chủ đầu tư chưa coi trọng công tác quản lý và chưa đảm bảo sản phẩm cho khách hàng. Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Đây chính là điều kiện quan trọng giúp xóa bỏ định kiến về nhà ở TĐC của đại bộ phận người dân lâu nay.

Cùng với Nghị định 84/2013/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước về các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cụ thể. Song hành cùng hành động và nhiều cơ chế chính sách mới, hy vọng những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ góp phần giải tỏa được nỗi niềm nhà ở TĐC.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng