Giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch tại TPHCM: Chỉnh trang dang dở

Cập nhật 09/11/2009 10:10

Sau ngày giải phóng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, chất lượng cuộc sống dân cư...

Sau ngày giải phóng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, chất lượng cuộc sống dân cư. Nghị quyết kỳ họp lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa VIII tháng 4-2006 đã đề ra kế hoạch đến năm 2010, TPHCM sẽ “di dời và tái định cư 15.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch nội thành”. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch di dời tái định cư đã thực hiện được đến đâu?

“Mới khoảng 40%”?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn TPHCM có khoảng 1.800km sông, kênh, rạch do nhiều cơ quan, ban ngành các cấp quản lý. Sau một quá trình dài buông lỏng quản lý, hàng chục ngàn hộ dân lấn chiếm sông, kênh, rạch xây cất nhà cửa.

Trong kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện chương trình nhà ở (giai đoạn 2006-2010) ngày 21-7-2006 của UBND TPHCM, thành phố đã “khoanh vùng” - di dời và tái định cư 15.000 hộ dân sống ven và trên rạch khu vực các quận nội thành; trong đó lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và các chi lưu: 4.074 hộ; kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - rạch Nước Lên (giai đoạn 1), các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè: 4.800 hộ; kênh Đôi - kênh Tẻ: 4.676 hộ.

Kế hoạch đề ra cụ thể như vậy. Thế nhưng, việc thực hiện như thế nào?
 

Nhà lụp xụp trên rạch Ụ Cây tại quận 8. Ảnh: Đức Trí


Trao đổi với PV Báo SGGP, một cán bộ phụ trách chương trình di dời 15.000 căn nhà trên, ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM lắc đầu: “Mặc dù là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM nhưng thật sự đến thời điểm này (cuối tháng 10-2009) số lượng nhà đã di dời, tái định cư thực hiện được mới chỉ khoảng 40%”.

Ông Dương Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, cho biết: Theo kế hoạch số 67 ngày 8-5-2008 của UBND quận, đến năm 2010, quận sẽ giải tỏa di dời tổng cộng 3.046 căn hộ trên, ven kênh rạch (trong đó, 2.117 căn giải tỏa toàn phần, 929 căn giải tỏa một phần) nhưng đến thời điểm này quận chỉ mới di dời được 235 căn (đạt khoảng 8% kế hoạch). Hầu hết những hộ dân được di dời là do “ăn theo” các dự án hạ tầng khác. Cụ thể, nhờ thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) nên di dời, giải tỏa được gần 60 hộ; nhờ thực hiện dự án chống sạt lở trên bờ kênh kênh Thanh Đa (đoạn 1.1, 1.3 quận Bình Thạnh) nên giải tỏa di dời được 161 hộ…

Dự án cũ: “tắc”, dự án mới: chưa “nên hình”

Theo Sở Xây dựng TPHCM, nguyên nhân khiến tiến độ di dời 15.000 căn nhà trên, ven rạch chậm vì từ đầu năm 2008 TP đã cắt nguồn ngân sách thực hiện chương trình này, thay vào đó là chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ngân sách TP chỉ chi cho công tác khảo sát, đo vẽ hiện trạng... Với chủ trương trên, nhiều dự án có quy mô lớn lần lượt bị “tắc”.

Cụ thể, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tại quận Bình Thạnh (giải tỏa đến 895 hộ dân), mặc dù TP đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 nhưng vì không có kinh phí nên dự án bị “treo” 8 năm nay.

Đến nay, chưa có dự án nào được đầu tư theo hình thức xã hội hóa “nên hình”.

Chủ trương chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch của TP chỉ nói chung chung nên các địa phương lúng túng trong thực hiện. “Bản thân nhà đầu tư cũng không quan tâm vì chưa thấy chính sách gì hấp dẫn; trong khi đó, so với việc đầu tư dự án trên đất liền thì tính chất đơn giản hơn nhiều”, một lãnh đạo Sở GTVT phân tích.

Có trường hợp ở quận 8, một nhà đầu tư nước ngoài đã “đeo bám” nghiên cứu dự án đến hơn 2 năm nhưng sau khi tính toán lại thì thời gian khai thác phải đến 70 năm mới có thể hoàn vốn và sinh lợi, trong khi theo quy định, thời gian thuê đất không quá 50 năm!

Để tháo gỡ khó khăn này, quận Bình Thạnh và Sở Xây dựng TP thống nhất giải pháp “bóp” hành lang giải tỏa nhà dân tính từ bờ kênh, rạch từ 20m xuống còn 7,5m. “Kinh phí cho giải phóng mặt bằng giảm còn 1/4 đến 1/3 so với kinh phí quy mô giải tỏa hành lang kênh, rạch 20m theo quy định; quỹ tái định cư không cần nhiều vì đa số nhà dân chỉ giải tỏa một phần… Thế nhưng vẫn không có kinh phí đầu tư”, một lãnh đạo quận Bình Thạnh nói.

Chính sách nào cho nhà đầu tư?

Riêng quận 8, địa bàn đứng đầu TP về số lượng nhà trên, ven kênh rạch (trên 10.600 căn), được lãnh đạo TP quan tâm nhiều nhất trong công tác chỉnh trang đô thị, xóa nhà trên kênh rạch.

Rạch Ụ Cây - dự án trọng điểm của chương trình phát triển nhà ở của TP đã hoàn tất công tác khảo sát hiện trạng, đo vẽ. Theo đó, có 954 căn với 5.127 nhân khẩu phải di dời, tổng dự toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng. Thường trực UBND TPHCM đã thống nhất chủ trương giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Để tạo nguồn vốn đầu tư dự án, TP giao Sở Tài nguyên – Môi trường TP chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng xem xét các mặt bằng trống hoặc sử dụng không đúng mục đích để làm cơ sở tính toán phương án hoán đổi chuyển giao cho nhà đầu tư khai thác, hoàn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP nhìn nhận: TP cho quận 8 sử dụng kho bãi bỏ trống để tạo nguồn vốn thực hiện dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch, bài toán khó nhất xem như có lối ra, nhưng việc thu hồi, đấu giá kho bãi quá nhiêu khê, do vậy, đến nay vẫn chưa có mấy tiến triển...

Tuy nhiên, vấn đề không phải không có lối ra. Và cũng cần khẳng định, chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp trên kênh và ven kênh rạch bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng để chủ trương đi vào thực tế thì TP phải có phương án về cơ chế, chính sách đi kèm và giao cho một đơn vị chức năng làm “chủ xị” để phối hợp các địa phương thực hiện.

Trong phương án, cần nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân khi tham gia hình thức đầu tư này và đảm bảo các bên cùng có lợi. Đối với địa phương còn mặt bằng, nhà xưởng trống thì việc bố trí tái định cư khá đơn giản nhưng đối với địa phương đã hết đất trống thì sẽ có phương án giải quyết tái định cư như thế nào?... Tất cả những vấn đề này, chưa có phương án giải quyết.

“Vấn đề không phải nhà đầu tư chê mà chỉ vì chúng ta chưa có phương án, chính sách cụ thể. Bằng chứng là, đã có nhà đầu tư tìm đến cơ quan chức năng đề xuất cải tạo, xây dựng bờ kè, công trình… 2 bên bờ kênh Tẻ (quận 4, quận 7) nhưng vì chúng ta chưa có chính sách cụ thể…”, một lãnh đạo Sở GTVT nói.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng