Ngày 11-9 Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội đã họp với các sở, ngành cùng các địa phương để thảo luận dự thảo quyết định mới, do cơ quan chức năng đã trình lên UBND...
Dự án mở rộng đường Lạc Long Quân (Hà Nội) bị chậm tiến độ có nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng - Ảnh: Xuân Long |
Ngày 11-9 Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội đã họp với các sở, ngành cùng các địa phương để thảo luận dự thảo quyết định mới, do cơ quan chức năng đã trình lên UBND TP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân trên địa bàn Hà Nội.
Theo trưởng Ban giải phóng mặt bằng TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền, hiện ở Hà Nội có khoảng 1.000 dự án phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư luôn là vấn đề nóng, người dân rất quan tâm. Vì vậy trong lần sửa đổi chính sách này, chính quyền TP dự kiến tăng tối đa mức hỗ trợ cho người dân.
Chẳng hạn như đã đề xuất: tăng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất lên bằng năm lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi, các hộ có tiêu chuẩn tái định cư bằng căn hộ chung cư nhưng không nhận nhà mà tự lo nơi ở thì được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ, mức hỗ trợ thuê nhà tạm cư tối đa là 3 triệu đồng/hộ/tháng...
Về hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm, theo nghị định 69/2009 của Chính phủ, mức “hỗ trợ bằng tiền từ 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương”. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Biền: “Liên ngành TP thống nhất trình áp dụng mức cao nhất có lợi cho người dân là bằng năm lần giá đất nông nghiệp, như vậy sẽ không có chuyện mỗi nơi áp dụng một mức”.
Ngoài ra, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cũng đã được đề xuất là Hà Nội không áp dụng hình thức hỗ trợ bằng đất và nhà mà chỉ đưa ra một hình thức hỗ trợ bằng tiền. Đồng thời TP cần phải có nhiều đổi mới, tránh việc người dân có tiền hỗ trợ nhưng vẫn không có nghề và không ổn định được cuộc sống.
Về quy định hỗ trợ tái định cư, dự thảo mới đã đề xuất tăng mức hỗ trợ đó lên gần gấp đôi. Cụ thể, đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư mỗi tháng là 500.000 đồng/người nhưng không quá 3 triệu đồng/hộ hoặc 1 triệu đồng/hộ độc thân.
Còn theo nghị định 69/2009, hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó. Vì vậy về “suất tái định cư tối thiểu” đã được trình là Hà Nội sẽ áp dụng thống nhất mức giao đất tái định cư tối thiểu là 40m2, còn nhà chung cư là 45m2 (theo Luật nhà ở).
Theo phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Trọng Lễ, vướng mắc hiện nay là có những dự án chuyển tiếp qua nhiều giai đoạn và chính sách khác nhau. Nên thực tế có dự án áp dụng mức hỗ trợ cũ thì thấp, giờ áp dụng mức hỗ trợ mới cao hơn, dẫn tới so bì cùng một thửa đất mà mức hỗ trợ mỗi thời điểm lại khác nhau. Trưởng Ban quản lý dự án đường Hà Nội - Hưng Yên Lê Mạnh Hùng cho rằng cùng một dự án nhưng người nhận tiền đền bù theo quy định cũ có mức thấp hơn những người được áp dụng theo quy định mới đến năm lần sẽ tạo ra bất cập và thua thiệt cho dân.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ vướng mắc này vì một sào đất nông nghiệp trước kia chỉ được bồi thường 50-70 triệu đồng, nhưng giờ có thể lên tới hơn 300 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đức Biền, trong quy định mới TP sẽ cập nhật để giải thích rõ những vấn đề vừa nêu. Thời gian ban hành, áp quy định mới đã được đề xuất là từ 1-10-2009.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO