Trước nhu cầu mua nhà tại Việt Nam ngày càng tăng của các cá nhân và tổ chức nước ngoài, Bộ Xây dựng đã đề xuất Quốc hội chính sách nới lỏng các điều kiện được đánh giá là “chặt chẽ” trước đây nhằm khai thác lượng khách hàng lớn còn bỏ ngỏ cũng như thu hút nguồn ngoại hối quay trở lại góp phần khơi thông thị trường BĐS.
Chính sách “trói” giao dịch
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2013 trên phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (cá nhân chiếm 80%, DN chiếm 20%), tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam. Nguyên nhân có ít DN nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là do chi phí mua nhà quá cao so với chi phí thuê nhà. Lý do khác là do DN không được cho thuê, không được bố trí đối tượng khác sử dụng khi không sử dụng hết hoặc bỏ trống.
Thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam ngoài 5 đối tượng trong quy định cũ. Quy định này cũng còn có các hạn chế khác về quyền được lựa chọn chỉ được phép mua chung cư mà không được sở hữu nhà riêng lẻ, hạn chế về quyền sở hữu chỉ được sử dụng để ở mà không được cho thuê hay kinh doanh, hạn chế về số lượng nhà sở hữu, hạn chế về điều kiện thời gian cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và hạn chế về thời gian sở hữu giới hạn trong 50 năm...
“Nới” để khai thác nguồn lực tiềm năng từ khách ngoại
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước cần sửa đổi bổ sung, “nới lỏng” hơn theo hướng mở rộng đối tượng cá nhân và tổ chức được sở hữu. Về loại nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề diện tích không quá 500m2 gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án KĐTM hoặc tại các dự án BĐS du lịch.
Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, Bộ Xây dựng, cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua theo quy định của pháp luật; cho phép họ được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng (nếu bán nhà ở trước thời hạn thì phải nộp gấp 2 lần so với mức thuế hiện hành); Không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động trong nước để mua nhà ở tại Việt Nam.
Các chính sách “nới” trên, theo Bộ Xây dựng sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, từ đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài, khai thác nguồn lực tiềm năng từ khách ngoại vào Việt Nam. Đồng thời chính sách này cũng tạo ra sự cạnh tranh với các nước khác trong khu vực để người nước ngoài ưu tiên vào đầu tư và sinh sống tại Việt Nam. Chính sách này không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS mà còn thu được tiền thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê nhà ở hoặc kinh doanh dịch vụ khác mà có sử dụng nhà ở của đối tượng này.
Cũng theo Bộ Xây dựng, chính sách sửa đổi này cũng không tác động xấu đến giá cả cũng như nhu cầu về nhà ở của các đối tượng có khó khăn về nhà ở, hộ nghèo hoặc các đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình do số lượng và loại nhà ở mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua và sở hữu chủ yếu là các BĐS trung và cao cấp. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung chính sách này vẫn bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Tăng giá trị BĐS Việt Nam
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chính sách mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là đề xuất mà chúng tôi đã theo đuổi từ những năm 2006. Tuy rằng đề xuất của Bộ Xây dựng là chậm nhưng rất được hoan nghênh.
Việc người nước ngoài mua nhà tại một số nước như Mỹ, Singapore... diễn ra rất tự do. Nếu người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đổ ngoại tệ vào BĐS trong nước cũng chính là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, giảm sản phẩm tồn kho, thu được các khoản thuế, tạo công ăn việc làm cho người bản địa như: Thuê chăm lo nhà cửa, giúp việc, mua vật dụng trang trí, nội thất… Không chỉ tăng giá trị BĐS lên mà còn tăng giá trị tổng tài sản quốc gia và tạo ra môi trường thông thoáng hội nhập và phù hợp với thông lệ toàn cầu. Mặt khác, hệ thống chính trị nước ta đều công nhận Việt kiều là một bộ phận của dân tộc, kêu gọi đoàn kết dân tộc, khuyến khích kiều bào đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Không nên có việc phân biệt việc mua hay không được mua nhà dưới mọi hình thức với Việt kiều.
Tuy nhiên, Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị cần có quy định đối tượng người nước ngoài chỉ được mua BĐS ở phân khúc cao cấp. Với chung cư chỉ được mua ở dự án từ 1.000 USD/m2 trở lên và với biệt thự, nhà liền kề thì mua ở khu vực được chỉ định. Mặc dù TP. HCM có 100 nghìn người Hàn Quốc thuộc nhiều thành phần thu nhập, có 6 nghìn người Philippines chủ yếu là lao động thu nhập trung bình, có khoảng 10 nghìn người Nhật Bản là chuyên gia thu nhập cao nhưng những người nước ngoài thu nhập thấp phải đi thuê nhà, không được mua nhà giá thấp. Khống chế này giúp cho việc chính quyền dễ quản lý và tuyệt đối không để tình trạng họ cạnh tranh với người lao động trong nước ở phân khúc nhà ở giá thấp. Những giải pháp này chắc chắn sẽ làm tăng thanh khoản và giải quyết một phần đầu ra cho thị trường BĐS cao cấp Việt Nam.
“Nới” nhưng phải kiểm soát
Ủng hộ chính sách mở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý cần quan tâm đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc. “Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế, ví dụ quy định rõ phạm vi bán kính ở gần những khu vực biên giới, bờ biển, vị trí trọng yếu… thì không được mua”. Việc kiểm soát những khu phố tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống như phố người Trung Quốc ở Quảng Ninh, nơi tập trung nhiều người Hàn Quốc thuê ở KĐT Trung Hòa Nhân Chính, KĐT Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… Nếu thời gian tới, những người này mua nhà sẽ hình thành khu phố của riêng họ, mang đặc trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt. “Để điều này không xảy ra, theo tôi, cũng cần phải có hạn chế cho người nước ngoài mua nhà không quá 49% trên một khu phố hay đơn vị hành chính cụ thể”, TS Liêm nêu ý kiến.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư