Giải pháp phát triển quỹ nhà ở thu nhập thấp

Cập nhật 27/07/2013 09:27

Từ năm 2008, Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn và là một trong những địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng mô hình nhà ở này.

Từ năm 2008, Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn và là một trong những địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng mô hình nhà ở này.

Đã có nhiều dự án được triển khai, song để đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận được quỹ nhà ở, rất cần một mô hình phù hợp.

Với đề tài nghiên cứu: "Mô hình hợp tác xã nhà ở - Giải pháp phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP Hà Nội", Ths.KTS Nguyễn Mạnh Phát (Sở TN&MT Hà Nội) đã phần nào đưa ra được phương án về phát triển nhà ở xã hội phù hợp.

Từ kinh nghiệm từ các nước

Ở nhiều nước trên thế giới, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được thực hiện từ hàng chục năm nay. Mô hình nhà ở này đã mang đến phúc lợi xã hội, cơ hội sở hữu nhà ở cho hàng triệu người có thu nhập thấp.

Trung Quốc là nước phát triển có dân số đông, thường xuyên phải đối mặt với vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong cải cách nhà ở là các khoản tiết kiệm bắt buộc trong nguồn thu nhập của người dân dành cho nhà ở. Tất cả các cư dân đô thị có việc làm phải tiết kiệm một phần lương thông qua đơn vị công tác để hình thành các khoản dài hạn cho nhà ở. Hàng tháng, cơ quan tuyển dụng có một phần trách nhiệm đóng góp vào tài khoản của người lao động. Số tiền tiết kiệm do một ngân hàng đại diện cho chủ tài khoản (người lao động) nắm giữ và được quản lý thông qua cơ quan tuyển dụng. Ngân hàng có thể cho vay thêm để phát triển nhà ở, vì vậy, chủ tài khoản có thể rút tiền từ ngân hàng để mua nhà, sửa chữa nhà ở khi được phê duyệt.


Nhà thu nhập thấp Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) đã được đưa vào sử dụngtừ tháng 3/2013. Ảnh: Hồng Thái

Singapore là nước châu Á giải quyết thành công nhất chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, và hầu như mô hình nhà ở này đều do Nhà nước đảm nhiệm. Đây là chương trình nhà ở ưu tiên cho người dân mà 88% dân số sở hữu căn hộ bằng phương thức mua trả góp, còn lại là thuê. Người dân có thể trả trước 20% tiền nhà, phần còn lại trả dần trong vòng 25 năm. Trong 30 năm trở lại đây, mặc dù điều kiện sống tăng với xu hướng thiết kế căn hộ rộng có nhiều phòng, Singapore vẫn dành khoảng 10% diện tích nhỏ (23 - 30m2) cho căn hộ độc lập và sau 5 năm lại có sự chuyển đổi về nhà ở một lần. Ví dụ, khi con cái lớn, gia đình có nhu cầu căn hộ rộng, nhiều phòng, hoặc sau 5 năm tích lũy, người dân đã có đủ khoản tiền để cải thiện chỗ ở. Cứ như vậy, người ở căn hộ nhỏ sẽ dịch chuyển lên căn hộ lớn hơn. Ở Singapore còn thành lập Quỹ Tiết kiệm T.Ư, người gửi tiền vào quỹ này được quyền ưu tiên mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường. Đồng thời, người mua nhà được vay với lãi suất thấp, linh hoạt trong các hình thức mua và thuê nhà.

Đến mô hình mang tính bền vững

"Chương trình một triệu" là tên gọi của chương trình xây dựng nhà ở thực hiện trong vòng 10 năm được đề xướng ở Thụy Điển với mục tiêu "Toàn dân phải được cung cấp căn hộ tốt với giá thành hợp lý". Được thực hiện kèm với chiến dịch xoá bỏ các khu tạm cư, nhà ở xuống cấp trên toàn đất nước, chương trình này rất thành công. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 - 1975, Thụy Điển đã xây dựng được một triệu căn hộ, chiếm gần 1/3 số nhà ở hiện nay. Các căn hộ tiêu chuẩn 3 phòng được thiết kế có diện tích tối thiểu 75m2, dành cho một gia đình gồm bố mẹ và hai con. Cơ sở hạ tầng gồm nhà trẻ, bệnh viện, công viên, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại… được xây dựng đồng bộ. Quỹ Nhà ở của Thụy Điển đã đáp ứng đủ nhu cầu của toàn bộ người dân nước này vào thời điểm đó. Đặc biệt từ năm 2007, Thụy Điển bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng các căn hộ, nhà ở xã hội chất lượng cao. Trong chiến lược phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, Chính phủ nước này hướng mục tiêu phát triển nhà ở đi liền với cải tạo đô thị, gắn kết mối quan hệ của cộng đồng dân cư trong các khu nhà, tạo không gian mới trong lành, giao hoà giữa con người với thiên nhiên. Tại Thụy Điển, người thu nhập thấp muốn có nhà ở phải gia nhập một hợp tác xã nhà ở. Các hợp tác xã nhà ở này đưa ra mục tiêu hàng đầu là giải quyết chỗ ở cho xã viên và không vì lợi nhuận.

Cũng là hình thức hợp tác xã nhà ở nhưng tại Philippines và một số nước Nam Âu, đó chỉ là một nhóm người tập trung lại, hợp thành một hợp tác xã xây dựng nhà ở, bán cho người dân, thu lợi nhuận và hết trách nhiệm. Vì vậy, mô hình hợp tác xã nhà ở của Thụy Điển mang tính bền vững hơn so với việc xây dựng công trình nhà ở để bán và không ràng buộc trách nhiệm.

Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, sinh viên, công nhân lao động, góp phần giảm khó khăn về nhà ở, giúp họ ổn định cuộc sống. Các dự án đã triển khai bao gồm: Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên); nhà công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh); các dự án nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Sài Đồng (quận Long Biên), Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), Ngô Thì Nhậm và Kiến Hưng (quận Hà Đông). Tuy nhiên, khối lượng căn hộ được đưa vào sử dụng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các đối tượng này, nhất là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và nhà ở cho người thu nhập thấp.


Ths.KTS Nguyễn Mạnh Phát
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị