Trong quá trình đô thị hóa, các quận nội đô chịu cảnh kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các huyện vùng ven đánh mất làng nghề truyền thống... Đó là ý kiến chung trong hội thảo khoa học...
Trong quá trình đô thị hóa, các quận nội đô chịu cảnh kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các huyện vùng ven đánh mất làng nghề truyền thống... Đó là ý kiến chung trong hội thảo khoa học “Những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa tại TPHCM” diễn ra cuối tháng 11 vừa qua.
Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm bao vây
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng INVESCONS, đánh động mọi người bằng hình ảnh đợt triều cường cao nhất trong vòng 48 năm qua, khiến nhiều nơi ngập nặng, hàng trăm hộ dân ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn chịu thiệt hại về tài sản do vỡ bờ bao. Các điểm ngập “đến hẹn lại lên” của TPHCM như đường Hồng Bàng, 3 Tháng 2, khu vực Cây Gõ, Âu Cơ... ngập sâu hơn năm trước và phát sinh nhiều điểm ngập mới.
Nói về thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa đánh giá: “Không thể đổ lỗi cho triều cường mà do quy hoạch sai khiến nhiều nơi ở TP trở thành vùng trũng, nên ngập là đương nhiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, phía Nam TP là túi chứa nước mưa, nước thải nhưng lại quy hoạch thành khu Nam Sài Gòn”.
Hiện nay, rất nhiều công trình xây dựng ken dày trong trung tâm thành phố, khiến nạn kẹt xe thêm trầm trọng. Quá trình đô thị hóa còn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường vượt sức chịu đựng của cư dân. Ở ngoại thành, 10 năm trước, không khí còn trong lành nhưng giờ thì ruộng đồng bị thay thế bằng nhà cấp 4, nhà trọ, nhà ổ chuột và đường sá bụi mù, nước thải lênh láng.
Mất dần các làng nghề truyền thống
Kiến trúc sư Lê Văn Hùng xót xa nói: “Là người sống tại làng mai Thủ Đức, tôi không khỏi tiếc nuối khi các vườn mai ở phường Linh Đông, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh lần lượt bị chặt bỏ hoặc để hoang phế, thay vào đó là từng dãy nhà trọ, nhà ở. Người dân địa phương thay nhau bán đất hoặc cất nhà trọ cho dân nhập cư thuê. Làn sóng dân nhập cư càng đổ về, các chủ vườn mai càng xa rời cây mai”.
Riêng phường Hiệp Bình Chánh hiện có khá nhiều dự án treo, như dự án xây dựng nhà ở của Tổng công ty Xây dựng số 5, diện tích 99.940 m2, lập hồ sơ từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa thỏa thuận đền bù với dân; dự án xây dựng nhà ở của Công ty TNHH Thương mại đầu tư Minh Phước, diện tích 118.285 m2, cũng lập hồ sơ từ năm 2001, nhưng đến nay vẫn chưa đến đâu. Tình trạng này khiến người dân ngán ngẩm, rồi rời bỏ đất, bỏ làng nghề.
Làng hoa Gò Vấp, làng lài An Phú Đông (quận 12) cũng đã bị xóa sổ bởi tốc độ đô thị hóa. Đến Hóc Môn thì tìm đỏ mắt mới thấy một vườn trầu, vườn cau. “Mười tám thôn vườn trầu” nay chỉ còn trong ký ức người lớn tuổi, thay vào đó là nhà trọ, ki ốt...
Hiến kế giải pháp
Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, kinh nghiệm từ các khu đô thị mới của Mỹ cho thấy, dọc hai bên các tuyến đường trồng cây xanh và không lót bê tông để nước mưa thấm vào đất, giảm đáng kể việc ngập nước. Cũng theo ông Dũng, có thể dùng giải pháp “mềm” như tiêu nước bề mặt thông qua thẩm thấu tự nhiên hoặc chảy vào hồ điều tiết. Trong đó, có thể tận dụng sân bóng, công viên tăng khả năng thoát nước tự nhiên.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa đề nghị, quy hoạch TP cần phải dài hơi, nghiên cứu kỹ hơn. Ví dụ, trước đây TP di dời các cơ sở ô nhiễm nhất về Khu Công nghiệp Tân Phú Trung, rồi lại quy hoạch những khu đô thị phía Tây Bắc Củ Chi, việc sống gần các cơ sở ô nhiễm khiến nhà đầu tư ái ngại.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, như vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, xây dựng hạ tầng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe... để khuyến khích họ di dời cơ sở sản xuất, chứ như hiện nay, việc hỗ trợ quá ít khiến doanh nghiệp lại gây ô nhiễm khi về nơi mới.