Giải pháp chống sạt lở kênh Thanh Đa

Cập nhật 30/07/2007 15:00

Liên tiếp trong những ngày qua, việc sạt lở kênh Thanh Đa, trong đó có nhiều căn nhà sập đổ xuống kênh...

Liên tiếp trong những ngày qua, việc sạt lở kênh Thanh Đa, trong đó có nhiều căn nhà sập đổ xuống kênh. Đây là khu vực xung yếu, nước chảy xiết nên khi thủy triều xuống thấp nguy cơ sạt lở bờ rất cao.

UBND quận Bình Thạnh đã kiến nghị UBND TP giao Sở Giao thông - Công chính và Khu đường sông nhanh chóng hoàn chỉnh dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa cho các đoạn 1.2, 1.3, 1.4 và trình UBND TP phê duyệt như một công trình ưu tiên, cần khẩn trương thực hiện. Thực tế, kế hoạch không thiếu nhưng để thực hiện được cần có thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè.

Giải tỏa trắng, xây kè

Cửa vào kênh Thanh Đa, phía gần cầu Bình Triệu, có chiều dài mặt cắt ngang rộng từ 100-120m, chiều sâu trên 10m. Do đó, lượng nước sông Sài Gòn đổ vào trực tiếp với lưu lượng lớn và tốc độ chảy mạnh sẽ gây xói lở bờ lớn, moi sâu hàm ếch, làm tăng nguy cơ sạt lở.

Để giải quyết chống sạt lở, ý kiến đề xuất là phải giải tỏa trắng những hộ dân, công trình nằm dọc theo bờ kênh để xây kè, chống xói lở. Chúng tôi đề nghị ứng dụng công nghệ cừ bản bê tông dự ứng lực dạng đứng để làm bờ kè vì tính năng vượt trội như: cường độ chịu lực cao, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng theo nhiều dạng địa hình và địa chất khác nhau... Ngoài ra, nhờ sử dụng bằng vật liệu Vinyl cloride khá bền vững nên chống gỉ, ăn mòn và không bị oxy hóa trong môi trường nước mặn cũng như nước phèn, chống được thẩm thấu.

Giá thành công nghệ dễ chấp nhận so với công nghệ truyền thống, thi công dễ dàng và chính xác, không cần mặt bằng rộng, chỉ cần sà lan và cẩu, vừa chuyên chở cấu kiện vừa ép cọc là có thể thi công được. Công nghệ này đã được ứng dụng thành công trong việc xây kè bờ sông Đồng Nai, bờ kè cảng Công ty Xi măng Holcim, công trình đê lấn biển ở thị xã Hà Tiên…

Chặn dòng, làm hồ điều tiết

Hưởng ứng chủ trương đầu tư xây dựng bán đảo Thanh Đa thành khu phức hợp vui chơi giải trí, chúng tôi đề nghị nên chặn đứng dòng chảy đổ vào kênh Thanh Đa. Sau đó, sẽ xử lý giải tỏa, gia cố và chỉnh trang bờ bao nhằm chống sạt lở, giữ đất hai bên bờ kênh và chân cầu Bình Triệu. Đồng thời với công trình ngăn chặn dòng chảy sẽ xây dựng hồ điều tiết có bờ kè kiên cố để làm hồ sinh thái, phục vụ du lịch. Khi cắt dòng chảy vào kênh Thanh Đa, cần theo dõi dòng chảy trên sông Sài Gòn để có phương án xây dựng mỏ hàn hướng dòng chảy và gia cố những nơi có thể bị uy hiếp. Kết cấu của công trình: xây đập thượng hạ lưu bằng cừ bản bê tông dự ứng lực có cửa điều tiết hai đầu và kết hợp đường đi lại, hoặc tạo mỹ quan thành công trình phục vụ du lịch.

Việc đắp đê chặn dòng chảy đã được chứng minh tại khu vực sông Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp. Sát bờ sông, cạnh Bệnh viện Sa Đéc có một dòng kênh chiều rộng hơn 100m, nước chảy mạnh gây sạt lở, phải di dời bệnh viện. Nhưng sau khi đắp đập bằng đất, cắt ngang dòng chảy thì không còn gây sạt lở. Con đập này đã xây dựng cả chục năm nay nhưng vẫn ổn định.

Việc ngăn chặn dòng chảy từ sông Sài Gòn, xây dựng bờ kè nhằm chống sạt lở hai bên bờ kênh Thanh Đa, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân và đảm bảo an toàn cầu Bình Triệu về trước mắt và lâu dài là cấp thiết. Trên đây là một số đề xuất của hội KHKTXD TP, việc ứng dụng cần có sự tham gia đóng góp của các ngành chức năng và các nhà khoa học; đồng thời báo cáo UBND TP phê duyệt, thực hiện theo cơ chế giao trọn gói trong thời gian ngắn.

Theo TS Nguyễn Hồng Binh Nguyên - KS Phan Phùng Sanh
Sài Gòn Giải Phóng