Mặc dù nguồn vốn đầu tư phát triển không thiếu, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng việc thực hiện và kết quả giải ngân các dự án giao thông từ đầu năm đến nay đạt thấp so với...
Mặc dù nguồn vốn đầu tư phát triển không thiếu, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng việc thực hiện và kết quả giải ngân các dự án giao thông từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch, thậm chí thấp nhất trong vòng bốn năm qua. Vì sao có tình trạng này?
Dự án đường Hồ Chí Minh, ngoài một số đoạn tuyến tránh như Hà Tĩnh, tỷ lệ giải ngân năm nay đạt 17,1%, Quảng Nam 10%, Hòa Bình 3,9%, so với mức kế hoạch; các đoạn còn lại qua địa phận các tỉnh Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... chưa giải ngân được đồng nào.
Các dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Văn Cơ - Ðền Hùng, xây dựng kè Cửa Khẩu, đoạn qua thị xã Hà Giang, tuyến tránh thị xã Tuyên Quang mới...; quốc lộ 3 đoạn thị trấn Chợ Mới, đoạn tránh thành phố Thái Nguyên, thị xã Bắc Cạn, Cao Bằng...; quốc lộ 6 giai đoạn 1, và các dự án cải tạo quốc lộ 32, 37, 70... cũng trong tình trạng tương tự; nghĩa là tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch năm nay đến thời điểm này là bằng 0%.
Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Xuân Trí cho biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do kế hoạch năm nay được thực hiện ngay từ đầu năm, với giá trị rất lớn, và sớm hơn rất nhiều so với các năm trước và dự kiến tiếp tục được giao kế hoạch.
Cụ thể, đến hết tháng 4-2007 đã giao 8.968,2 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông vận tải là 5.238,5 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng vốn giao, trong khi đó các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất các hồ sơ, thủ tục đầu tư, xây dựng và tiến hành triển khai thực hiện tiếp kế hoạch năm 2006 và các năm trước còn lại cho nên chưa có khối lượng thanh toán.
Một số dự án do vướng mắc trong hoàn chỉnh thủ tục đầu tư như chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn đến chưa thể phê duyệt được tổng dự toán công trình. Công tác giải phóng mặt bằng chậm cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, như dự án đường sắt Hạ Long - Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ, Lim - Phả Lại; dự án đường vành đai 3 Mai Dịch - Pháp Vân...
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại công trường dự án đường vành đai 3, mặc dù cầu Thanh Trì đã thông xe, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2006, nhưng hiện tại đường dẫn hai đầu cầu vẫn chưa hoàn thành. Các phương tiện giao thông qua lại vẫn phải qua đường tạm để lên xuống cầu, rất mất an toàn, đã có không ít tai nạn giao thông xảy ra tại đầu phía nam cầu Thanh Trì.
Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này chính là khâu giải phóng mặt bằng. Chỉ riêng gói thầu số 3 đường dẫn phía nam cầu Thanh Trì và đoạn tuyến nam vành đai 3 Hà Nội dài hơn sáu km vẫn còn hàng trăm điểm vướng mặt bằng thuộc các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Trần Phú, quận Hoàng Mai. Nhiều cuộc họp giữa Ban quản lý dự án Thăng Long, liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 8 và tư vấn giám sát,... để bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng vướng vẫn hoàn vướng.
Thậm chí liên danh nhà thầu còn chủ động khảo sát, lập biên bản làm việc giữa các đơn vị liên quan nhằm giải quyết những vướng mắc, cũng như dự kiến thời gian giải phóng mặt bằng để các đơn vị cùng phối hợp thực hiện gói thầu, nhưng biên bản lập rồi cũng không đơn vị nào dám ký, vì sợ ký xong không thực hiện được. Công trình trọng điểm ngay tại Hà Nội còn vướng như vậy, thì những trở ngại tại các dự án khác là điều dễ hiểu.
Giải phóng mặt bằng chậm không chỉ làm ảnh hưởng tiến độ thi công, chất lượng công trình, mà càng kéo dài thời gian thi công trong điều kiện giá cả không ổn định sẽ làm đội giá công trình, ảnh hưởng kế hoạch giải ngân vốn. Cũng có dự án khối lượng hoàn thành đã có, nhưng không giải ngân được, như dự án đường Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc Ban quản lý đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn, cho biết: Dự án đường Hồ Chí Minh, khởi công từ năm 2000 đến nay đã hơn bảy năm, với khối lượng hoàn thành tương đối lớn, nhưng cũng như nhiều ban quản lý dự án khác của ngành giao thông, Ban quản lý đường Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng giải ngân chậm, hơn hai năm nay gần 700 tỷ đồng tồn đọng vẫn chưa giải ngân được.
Lý giải về sự chậm trễ này, với tư cách là đại diện chủ đầu tư, Tổng Giám đốc Phạm Hồng Sơn cho biết, nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản tập trung vào ba vấn đề lớn. Một là, thời gian thi công xây dựng một công trình giao thông lớn, nếu thuận buồm xuôi gió cũng kéo dài năm, mười năm. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh đến nay cũng đã hơn bảy năm. Bảy năm đối với sự phát triển của một đơn vị là ngắn, nhưng soi vào từng con người cụ thể lại là thời gian dài, công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp lại bộ máy có nhiều biến động.
Trong hơn 40 đầu mối đơn vị đã và đang tham gia thi công đường Hồ Chí Minh có nhiều người là Giám đốc, Phó giám đốc, chỉ huy điều hành dự án đã có sự thuyên chuyển công tác. Ngay tại Ban quản lý đường Hồ Chí Minh cũng có nhiều Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc đã về hưu hoặc chuyển công tác khác, trong khi đó các phiếu giá, biên bản nghiệm thu trong lúc thi công đơn vị chưa tập hợp đủ, nay người có trách nhiệm đã nghỉ hoặc chuyển công tác, không lấy được chữ ký bổ sung, phải đi tìm người cũ và chờ đợi, vì vậy đến thời điểm này hầu hết các đơn vị chưa hoàn thành xong hồ sơ quyết toán công trình.
Hai là, do yêu cầu thủ tục thanh toán đòi hỏi phải có đủ dự toán, nếu có khối lượng phát sinh thì dự toán yêu cầu phải điều chỉnh, bổ sung, phần khai cho mỗi lý trình, mỗi thời điểm phải qua đủ các khâu thủ tục cần thiết, trong khi tiến độ thi công đòi hỏi gấp rút nên có khi chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu. Lúc đầu làm còn nhớ, lâu dần chỗ nhớ chỗ quên, tạo ra tâm lý ngại làm. Hoặc khối lượng và giá trị còn lại không lớn, nếu nghiệm thu thanh toán chi tiết có khi giá trị thanh toán giảm đi, trong khi thủ tục thanh quyết toán thì phiền hà nhiêu khê, nên nhà thầu cũng không muốn làm thủ tục thanh toán dứt điểm.
Sau vụ việc tiêu cực xảy ra tại Ban quản lý dự án 18 (PMU 18), từ các ban quản lý đến nhà thầu và các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định có phần kỹ càng hơn, dẫn đến chậm trễ thanh toán, quyết toán công trình.
Ba là, thời gian qua, giá cả vật tư, nhiên liệu trên thị trường biến động liên tục theo chiều hướng tăng cao, khiến cho nhà thầu càng làm càng lỗ, hoặc có tâm lý vừa làm vừa chờ đợi điều chỉnh định mức đơn giá, tổng mức đầu tư công trình. Ðã có không ít công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án không dưới hai lần.
Việc giải ngân chậm ở các dự án giao thông đang gây nhiều khó khăn cho đại diện chủ đầu tư, nhất là đơn vị thi công và người lao động. Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân. Bộ Giao thông vận tải trong các cuộc họp giao ban hằng tháng, hằng quý cũng đã có nhiều "kết luận", "biện pháp chỉ đạo kiên quyết" đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng đã chỉ ra các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển. Ðó là, vướng mắc trong việc thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng nhiều quy định còn chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho việc hoàn chỉnh các thủ tục triển khai dự án; các quy định hướng dẫn tính toán chi phí, định mức đầu tư thường chậm được xử lý ở các cấp có thẩm quyền và chưa sát với các biến động của giá cả thị trường; năng lực nhiều đơn vị tư vấn, nhất là tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, làm cho dự án phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, phát sinh nhiều tiêu cực...
Nguyên nhân giải ngân chậm các cấp, các ngành đều đã biết, song để chấm dứt tình trạng này, theo chúng tôi, không ai khác là lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải với tư cách là chủ đầu tư, cùng các cục, vụ chức năng, ban quản lý dự án và các đơn vị thi công cần đề cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đẩy mạnh tiến độ thi công công trình; chủ động nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện các dự án, tổ chức nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, nhất là khối lượng còn lại của những năm trước, hoàn tất các thủ tục thanh toán dứt điểm, giải phóng nhanh các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách, và vốn trái phiếu Chính phủ... đang bị "đóng băng".
Theo Nhân Dân