Để góp phần tìm giải pháp cải thiện tình trạng ế ẩm của các căn hộ có diện tích lớn, tổng hợp ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng TP HCM:
Không làm đại trà
Việc chuyển đổi công năng từ căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ để thị trường địa ốc không bị đọng hàng là động thái cần thiết. Tuy nhiên, khi tiến hành thực hiện cụ thể đòi hỏi TP phải nghiên cứu kỹ để có hướng đi đúng chứ không nên vội vã. Nếu nhìn ở góc độ thị trường thì việc tồn kho những căn hộ lớn đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng ở góc độ quản lý thì việc chia nhỏ căn hộ để hàng hóa được lưu thông sẽ làm tăng dân số. Tăng dân số tức là tăng áp lực về hạ tầng xã hội. Nếu không tính toán kỹ vấn đề này thì khó bảo đảm được hạ tầng kỹ thuật.
Trước thực tế này, TP phải điều chỉnh, rà soát, kiểm tra sao cho thị trường địa ốc thông thoáng nhưng vẫn phải bảo đảm hạ tầng kỹ thuật. Do đó, không thể làm đại trà mà phải duyệt từng căn hộ, dự án và doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, Sở Xây dựng mới trình các phương án lên UBND TP. Trước mắt, Sở Xây dựng đã trình những dự án hội đủ các tiêu chí đề ra để UBND TP ra quyết định trong thời gian sớm nhất. Hy vọng thị trường địa ốc sẽ có hướng ra mới, cải thiện đáng kể tình hình hiện tại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM:
Phải giảm giá thêm
Hai khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là hàng tồn kho và nợ xấu. Hàng tồn BĐS tại TP HCM lên đến hàng chục ngàn đơn vị nhưng phần lớn là những căn hộ lớn, trên 90 m2, vượt sức mua của đa số người dân. Chính phủ và TP đã có chủ trương tháo gỡ bằng việc cho phép cơ cấu lại căn hộ (chia nhỏ diện tích) và thay đổi công năng dự án nhưng việc triển khai thực hiện quá chậm.
TP HCM hiện có rất nhiều dự án dở dang nhưng không được cấp tín dụng, gói cứu trợ 30.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ không dành cho đối tượng này. Nếu được cấp tín dụng, các dự án đó sẽ sớm có nhà hoàn thiện đưa vào sử dụng; còn hiện nay chỉ có những dự án nhà ở xã hội khởi công mới thì mới được hưởng lãi suất ưu đãi; theo công bố, phải đến năm 2015 mới giao nhà.
Cái gốc của vấn đề là giá BĐS tại Việt Nam hiện quá cao, vượt xa thu nhập của người dân. Do đó, nhà nước phải làm sao để giảm giá nhà xuống, còn khoảng dưới 500 triệu đồng/căn hộ tại TP HCM thì người dân mới tiếp cận được. Cần thêm những chính sách cho vay mua nhà dài hạn, từ 20-30 năm để những người đã có sẵn một ít vốn có thể mua nhà ở, sau đó trả góp với số tiền hợp lý.
Giá các căn hộ chung cư của Hoàng Anh Gia Lai tại huyện Nhà Bè, TP HCM vượt khả năng chi trả của phần lớn người dân Ảnh: Ngọc Ánh |
Ông Vinh Nguyễn, đại diện Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam:
Học cách làm của Mỹ
Giai đoạn năm 2001-2002, tại Mỹ có làn sóng nhà đầu tư rút tiền từ chứng khoán đổ vào BĐS, các ngân hàng cho vay mua nhà dễ đến mức người ta nói đùa “những ai còn thở được đều được mua nhà”. Khi bong bóng BĐS vỡ, giá nhà giảm 1/3, thậm chí có nơi còn một nửa, khiến 2/3 trong tổng số 1,2 triệu đơn vị nhà có nợ, tình trạng nhà bị tịch thu rất nhiều.
Trong giai đoạn đầu (năm 2005-2007), dù thị trường đã có những dấu hiệu xấu nhưng chính phủ Mỹ vẫn giữ quan điểm để thị trường tự điều tiết, không can thiệp. Đến năm 2007, chính phủ bắt đầu can thiệp bằng các biện pháp như: giữ lãi suất thấp, mua lại nợ xấu ngân hàng; về phía người dân thì hoàn thuế mỗi người 600 USD nhưng không có hiệu quả do sợ kinh tế còn xuống nữa, người dân có tâm lý cất giữ tiền, không đưa tiền vào nền kinh tế.
Đến giai đoạn 2009-2011, chính phủ Mỹ đã đưa ra các chính sách tạo điều kiện cho người mua nhà: miễn thuế 8.000 USD nếu mua nhà lần đầu và miễn 6.500 USD nếu mua nhà mới. Quan trọng nhất là chương trình giữ người mua nhà trong căn nhà của họ vì càng nhiều người bỏ nhà, giá nhà đất càng xuống. Bằng cách giảm lãi suất vay, với điều kiện họ phải thực ở trong ngôi nhà đó, nếu bán lại họ phải trả phần tiền được giảm. Đối với người mua nhà nhưng mất việc, không thể giữ nhà với 2 cách trên thì được kéo dài thời gian bán nhà, xóa nợ, thay vì để ngân hàng tịch thu, phát mãi ngay. Các biện pháp này được ví như việc cho người ta cái phao khi họ bị ngộp nước.
Các chính sách trên đã được thực hiện rất thành công, đến nay giá nhà đã tăng lên, lượng nhà bị tịch biên giảm xuống và cơ bản thị trường đã về mức bình thường.
Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP HCM:
Cứu chủ đầu tư để cứu cả người mua
Thị trường BĐS đóng băng, ngân hàng ngưng rót vốn mặc dù trước đó đã có hợp đồng giải ngân khiến cho hàng loạt dự án bị chậm tiến độ. Điều này khiến cho hàng ngàn người dân góp vốn mua nhà ở các dự án này bị vạ lây vì họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư nhưng không được giao nhà để ở.
Nếu để chủ đầu tư “chết” thì những khách hàng đã đóng tiền mua dự án cũng “chết” theo vì đã chôn tiền vào đó, dự án dang dở không sử dụng được. Chưa kể nếu vay tiền mua nhà, họ còn phải gánh phần lãi vay và cả tiền thuê nhà trong thời gian chờ chủ đầu tư giao nhà. Do đó, với những dự án nhà chung cư sắp hoàn thành, ngân hàng nên xem xét tiếp tục cho vay để cứu dự án và cứu luôn những người mua nhà tại đây. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư có thiện chí, tập thể người mua nhà có thể liên kết lại đóng thêm tiền hỗ trợ chủ đầu tư và yêu cầu được tham gia quản lý dòng tiền họ mới đóng vào.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động