Giá vật liệu xây dựng tăng vọt: Công trình trì trệ lại càng trì trệ

Cập nhật 01/12/2007 08:00

Tại TP.HCM, rất nhiều công trình vốn đã trì trệ nay lại có nguy cơ trì trệ hơn bởi giá cát, đá, bêtông nhựa, sắt đều tăng quá cao...

Tại TP.HCM, rất nhiều công trình vốn đã trì trệ nay lại có nguy cơ trì trệ hơn bởi giá cát, đá, bêtông nhựa, sắt đều tăng quá cao.

Ở liên nhịp dầm số 2 thuộc công trình xây dựng cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1 và Q.5 qua Q.4 và Q.8) hiện có rất ít công nhân làm việc. Các công nhân của nhà thầu thi công là Công ty cầu 14 cho biết vật liệu mua về ít nên họ chỉ làm những công việc lặt vặt. Nhìn qua liên nhịp dầm số 3 của công trình này cũng chỉ thấy các trụ cầu chơ vơ giữa dòng kênh Tàu Hủ, không có công nhân làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Ngữ - chỉ huy trưởng công trình - bức xúc nói giá vật liệu tăng quá cao nên liên nhịp dầm số 3 đang tạm dừng thi công vì làm tiếp sẽ lỗ trên 3 tỉ đồng. Theo ông Ngữ, chủ đầu tư dự án có yêu cầu tiếp tục thi công và sau đó sẽ tính trượt giá nhưng đơn vị vẫn tạm dừng thi công vì chưa có cơ sở nào khẳng định được điều chỉnh dự toán. Ông Ngữ nói rằng tại công trình cầu Nguyễn Văn Cừ, chỉ riêng gói thầu số 1 do Công ty cầu 14 thi công là 39 tỉ đồng, nay nếu không tính trượt giá thì đơn vị lỗ khoảng 9 tỉ đồng.

Giá vật tư tăng chóng mặt

Vẫn ở công trình cầu Nguyễn Văn Cừ, ông Lê Hoàng Bảo - giám đốc chi nhánh Công ty 508 tại TP.HCM, đơn vị thi công gói thầu số 2 và số 3 - đang “đau đầu” vì giá vật liệu tăng 23%. Cụ thể, cả hai gói thầu phải chi thêm 36 tỉ đồng vì trượt giá. Còn ở dự án cầu Công Lý (Q.3 - Q.Phú Nhuận, đã thi công được nửa cầu) cũng do Công ty 508 thi công, vốn xây lắp 48,2 tỉ đồng, nay trượt giá sẽ tăng thêm 4 tỉ đồng.

Tại lễ hợp long cầu Thủ Thiêm (Q. Bình Thạnh - Q.2) sáng 29 - 11, báo cáo với lãnh đạo UBND TP và Bộ Xây dựng, đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 - nhà thầu thi công - nói rằng trong năm 2007 giá cả vật liệu trên thị trường biến động rất lớn: giá sắt tăng hơn 50%, ximăng, cát, xăng dầu tăng khoảng 30%, tiền lương nhân công tăng 30%.
 
Ông Trần Hoàng Nam - phó giám đốc Ban điều hành dự án cầu Thủ Thiêm - cũng cho biết vốn xây lắp cầu Thủ Thiêm là 406 tỉ đồng do trượt giá đã tăng thêm 50 tỉ đồng. Đơn vị đang đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét tính trượt giá vì nếu không đơn vị sẽ bị lỗ nặng.

Cán bộ Công ty Công trình giao thông công chính TP.HCM - nhà thầu thi công công trình nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) - nói công trình bị đình trệ cả năm vì vướng giải tỏa, nay vì trượt giá mà tiếp tục dừng thi công thì người dân khó chấp nhận.
 
Tuy nhiên, nếu tiếp tục thi công nhà thầu cầm chắc lỗ. Theo vị cán bộ này, Thủ tướng đã ban hành nghị định 99 cho phép tính trượt giá ở các công trình xây dựng, nhưng các cơ quan chức năng chậm ra văn bản hướng dẫn thực hiện khiến nhà thầu cứ thi công cầm chừng.

Thủ tục bù trượt giá còn nhiêu khê

Trước sức ép về giá cả vật liệu tăng cao làm các nhà thầu gặp khó khăn và ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án, ông Lê Hoàng Bảo đề nghị các cơ quan thẩm quyền cần bù giá đúng và đủ cho nhà thầu.

Vấn đề chính hiện nay là chủ đầu tư dự án phải giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến công trình vì càng chậm ngày nào giá cả càng tăng ngày đó. “Thiệt hại không chỉ có nhà thầu mà Nhà nước cũng bị thiệt hại vì công trình chậm đưa vào sử dụng” - ông Bảo nhấn mạnh.

Theo ông Lê Hoàng Hà - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực Q.Gò Vấp, nếu không tính trượt giá thì nhiều công trình sẽ đình trệ thi công, giá cả vật liệu càng tăng cao, công trình càng chậm hoàn thành. Ban quản lý dự án đã nhiều lần kiến nghị các cấp thẩm quyền TP xem xét tính trượt giá cho các công trình nhưng thủ tục để được chấp thuận trượt giá rất rườm rà và nhiêu khê.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Tân Phú cho rằng vấn đề chính là UBND TP cần có chủ trương chung về tính trượt giá cho các công trình. Bởi vì không chỉ có những dự án đã đấu thầu mà những dự án chuẩn bị đưa vào đấu thầu cũng bị vướng trượt giá, buộc phải làm lại thủ tục, mất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Xuân Bảng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư các dự án cầu Thủ Thiêm, cầu đường Nguyễn Văn Cừ, cầu Công Lý...) - cho biết giải quyết trượt giá phải căn cứ vào hợp đồng đã ký kết với nhà thầu. Đối với nhà thầu kém năng lực về tài chính, có sai phạm vì thi công chậm trễ sẽ bị xử phạt và khó được xem xét tính trượt giá.

Theo Tuổi Trẻ