Giá thuê đất “đè” doanh nghiệp

Cập nhật 28/07/2014 10:34

Hiệp hội DN TP.HCM phối hợp với Hội DN quận Phú Nhuận TP.HCM tổ chức hội thảo “Khó khăn của DN về giá cho thuê đất”, cho thấy tình trạng nhiều DN không trả được tiền thuê đất quá cao.

Hiệp hội DN TP.HCM phối hợp với Hội DN quận Phú Nhuận TP.HCM tổ chức hội thảo “Khó khăn của DN về giá cho thuê đất”, cho thấy tình trạng nhiều DN không trả được tiền thuê đất quá cao.


Bị truy thu tới hàng chục tỷ đồng

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, giá thuê đất cho DN hiện quá cao, chỉ trong vòng 2 năm 2010-2012 giá đất tăng 5-7 lần, có nơi tăng mười mấy lần. Giá thuê đất được tính theo giá thị trường khiến cho tiền thuê đất đang là gánh nặng của các DN. Tình trạng nhiều DN bị truy thu thuế đất với số tiền rất lớn khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn và có khả năng không trả được.

Theo ông Bùi Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty cổ phần May da xuất khẩu 30-4, công ty ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM thời hạn 50 năm, đóng thuế đất 2 năm/lần ở Chi cục Thuế Phú Nhuận. DN thực hiện đúng nghĩa vụ, nhưng đến năm 2006, Chi cục Thuế Phú Nhuận điều chỉnh tăng giá thuê đất trên 300%, năm 2010 tăng 335% và ra thông báo cho DN nộp tiền thuê đất.

Chỉ từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 DN phải nghiên cứu đến 11 văn bản về tiền thuê đất.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết, tiền thuê đất ở quận Tân Bình, quận Thủ Đức của công ty đóng năm 2010 là 76 triệu đồng, nhưng đến năm 2011 phải đóng tới trên 200 triệu đồng, tăng trên 3 lần.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt DN giải thể, hấp hối, giá đất tăng lên một cách bất hợp lí và tăng vào giai đoạn khó khăn nhất của DN, khi 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, tiền thuê đất vẫn tiếp tục tăng.

Ông Mạnh cho rằng, Nhà nước phải có lộ trình tăng giá và thông báo cho DN để DN có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh, và giá đất nên tính linh hoạt và theo giá trị đất của từng địa phương, không thể giá thuê đất ở tỉnh ĐakNong tính bằng giá thuê đất ở TP.HCM. Do vậy, Chính phủ sớm có Nghị định và Thông tư để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Hiện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn là đơn vị quản lý về công ty cây trồng, bò sữa, mỗi phần khoảng 2000 ha. Công ty thuê đất vào mục đích nông nghiệp và nộp thuế nông nghiệp cho đến năm 2013. Từ năm 2013 công ty chuyển sang tính tiền thuế đất.

Đại diện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), cho biết hiện nay DN phải nộp 100% diện tích đất thuê, trong khi chưa đo đạc diện tích sử dụng cụ thể khiến tiền thuê đất của công ty bị truy thu lên tới hàng chục tỷ đồng từ năm 2006, trong khi vốn của DN chỉ có 60 tỷ đồng. Và hiện nay có tới 60% công nhân nhận đất không chấp nhận tiền thuê đất. Riêng công ty con về bò sữa của Sagri bị truy thu tiền thuê đất 13 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá cho thuê đất trồng cao su cao hơn 3 lần so với giá các loại cây trồng khác, trong khi cao su rớt giá lại càng khó cho DN.

Sagri đề nghị được xem xét lại diện tích sử dụng để tính tiền thuê đất, miễn giảm thuế, đề nghị miễn truy thu. Hiện DN cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong việc ký hợp đồng để làm thủ tục miễn giảm thuế.

Ông Đỗ Hướng Dương, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cho biết, chu kỳ tính giá thuê đất năm 2006-2011 đã tăng gần 4 lần ở chu kỳ 2011-2015.

Cần lộ trình tăng giá thuê đất

Trả lời những vướng mắc của các DN, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính, thừa nhận tiền thuê đất của DN hiện quá cao. Nguyên tắc tính tiền thuê đất theo bảng giá đất công bố hàng năm của UBND các tỉnh, thành phố. Giá đất tại TP.HCM trước 2006 chỉ bằng 30% giá thị trường.

Các văn bản sau này, giá đất tính trên cơ sở giá thị trường, để đảm bảo tất cả các đơn vị sử dụng tốt nguồn lực đất đai, tiết kiệm, gắn với sự chuyển đổi của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thường bị kiện chống bán phá giá. Chẳng hạn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa tiền thuê đất của Việt Nam để tính vào căn cứ chống phá giá, vì họ cho rằng giá sản phẩm xuất khẩu của DN Việt Nam chưa phản ánh đúng giá trị thị trường có sự bảo trợ của Nhà nước (trong đó có tiền thuê đất).

Bảng giá đất năm 2010 chỉ bằng ¼ giá thị trường. Nay Luật đất đai có hiệu lực 1/7/2014, căn cứ tính giá thuê đất theo giá thị trường. Giá thuê đất được tính theo công thức: giá đất thị trường nhân (x) hệ số điều chỉnh giá đất 2 lần và nhân (x) 2,5% là tỷ lệ đơn giá thuê đất, khiến cho giá đất đội lên rất cao.

"Do vậy, giải quyết vướng mắc cho các DN trong thời điểm hiện nay, chúng tôi đang kiến nghị với Bộ Tài Chính xây dựng hệ số xác định tiền thuê đất 2 lần và không tính theo giá thị trường", đại diện Sở Tài chính cho biết.

Trường hợp của Sagri do DN đang sử dụng quy mô đất khá lớn, đặc thù nên việc truy thu tiền thuê đất sẽ khó khăn cho DN, và DN muốn giảm, miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất rừng phòng hộ, diện tích đất nuôi trồng, DN cần có tờ trình để Sở Tài chính TP.HCM cùng với các sở ngành khác kiến nghị lên Chính phủ giải quyết.

Còn những DN bị truy thu tiền thuê đất sau năm 2006 thì Sở Tài chính sẽ tính tiền thuê đất của chu kỳ mà DN không nộp và giá đất được tính theo giá năm 2006 nhưng hệ số phải tính ở thời điểm hiện nay. Do vậy, cộng thêm lãi chậm nộp tiền thuê đất khiến nhiều DN không chịu nổi.

Bà Lê Thị Tám, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng, cơ quan Thuế không đủ thẩm quyền gia hạn, cưỡng chế thuế đối với nợ trên 90 ngày. Cục Thuế có văn bản xem xét đối với các khoản thu từ đất, đặc biệt là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Việc xác định đơn giá sau 1/7/2014, cơ quan xác định đơn giá như nhau, DN cần tiếp cận văn bản sớm hơn, xác định đơn giá của chu kì sớm hơn để chủ động trong sản xuất và phân bổ lợi nhuận của mình.

Các DN xác định chu kì đơn giá từ 1/1/2011 vẫn được miễn giảm trong năm 2013-2014, đề nghị DN nộp hồ sơ lên Cục Thuế.

Bà Tám cũng kiến nghị, Nhà nước cần có lộ trình cho việc tăng giá thuê đất, tạo đầu mối kí hợp đồng, tính giá thu thuế… phù hợp cho từng loại đất cho thuê.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet