Giá rẻ lại thành đắt

Cập nhật 15/04/2013 08:51

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các giải pháp chủ yếu tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế và tín dụng. Bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, thu ngân sách, gây đình trệ sản xuất cho nhiều ngành như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Song, nếu cho rằng tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản trong lĩnh vực này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội thì có lẽ quá “bi kịch hóa” thị trường này.

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các giải pháp chủ yếu tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế và tín dụng. Bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, thu ngân sách, gây đình trệ sản xuất cho nhiều ngành như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Song, nếu cho rằng tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản trong lĩnh vực này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội thì có lẽ quá “bi kịch hóa” thị trường này.

Nhận định trên của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quả là không trùng với nhiều ý kiến của công luận về thị trường bất động sản. Theo đánh giá của ông Phó Chủ nhiệm, nợ xấu của thị trường này không phải là xấu nhất so với một số ngành khác. Không phải là nếu Nhà nước không ra tay cứu thì doanh nghiệp bất động sản sẽ “chết” đồng loạt, kéo theo nền kinh tế lao đao. Ông cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ ra tay thì người được hưởng lợi nhiều hơn cả sẽ là người dân và đây sẽ là cơ hội tốt để người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở như nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Theo Bản tin Kinh tế vĩ mô quý I-2013 của Ủy ban Kinh tế, cho dù thị trường đóng băng một thời gian dài, song không ít doanh nghiệp trong cuộc vẫn cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời kể cả phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp. Quá trình điều chỉnh trên thị trường có khả năng còn kéo dài vì không ít doanh nghiệp vẫn găm giá để chờ sự “giải cứu” từ phía Nhà nước. Như vậy thời điểm này, Chính phủ càng thể hiện quyết tâm và những động thái muốn can thiệp để tháo gỡ khó khăn do bất động sản, thì càng làm cho thị trường khó “ấm” lên. Đó là chưa kể trường hợp đổ tiền “cứu nhầm nhà giàu” luôn có thể xảy ra cũng khiến cả thị trường luôn luôn ở trong tình trạng “chầu chực”, doanh nghiệp chờ ưu đãi hơn nữa, còn người mua nhà thì chờ giảm giá thêm.

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng tình với ý kiến của một số chuyên gia khuyến nghị Chính phủ phải xác định được giá nhà thực tế bao nhiêu là hợp lý và đến lúc nào mới có thể kéo được mức giá hiện nay trở về giá trị thực. Khảo sát cho thấy, ở Hà Nội giá căn hộ chung cư cuối năm 2012 giảm 5-10% so với cùng kỳ năm 2011, có dự án giảm tới 20-30%. Ở ngoại thành, giá giảm mạnh tới 28-35% so với cùng kỳ 2011, thậm chí giảm tới 50% so với đầu năm 2010. Dẫu vậy, một số chủ đầu tư vẫn hé lộ dù giảm như vậy mà họ vẫn có lãi ít nhất 20%. Nhiều chung cư ở Hà Nội đang lao vào cuộc “chạy đua” giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Các chủ đầu tư đều muốn nhắm tới nhu cầu thực của người dân, song với số tiền dưới 1 tỷ đồng quả thực chỉ có thể lựa chọn chung cư dưới 15 triệu đồng/m2 cách trung tâm 15-25km.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện “tồn kho” 5.789 căn hộ. Thành phố sẽ tiếp tục xem xét đề nghị của các chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà tái định cư, công vụ. Xét về kinh tế, việc Hà Nội giải cứu thị trường bất động sản là rất cấp bách. Xét về an sinh xã hội, cho phép chuyển ồ ạt nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội có nhiều điều bất ổn. Khi người thu nhập thấp “lấp kín” sẽ khiến hạ tầng quá tải, dẫn đến nhiều hệ lụy. Hơn thế, họ phải lo dành dụm để trả nợ tiền vay mua nhà dù là vay ưu đãi, trong khi túi tiền hạn hẹp thì rốt cuộc nhà giá rẻ lại thành đắt.


DiaOcOnline.vn - Theo An ninh Thủ đô