Giá nhà đất vượt quá xa giá trị thực

Cập nhật 17/09/2010 07:40

“Thị trường bất động sản đang phát triển thiếu ổn định. Cụ thể, giá bất động sản (nhất là giá nhà ở) vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Điều này đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở...

Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo tin đồn còn diễn ra phổ biến.

“Thị trường bất động sản đang phát triển thiếu ổn định. Cụ thể, giá bất động sản (nhất là giá nhà ở) vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Điều này đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp“. Đó là nội dung trong báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Xây dựng về kết quả đạt được của ngành trong những tháng đầu năm 2010.

Huy động vốn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn

Theo Bộ Xây dựng, giá nhà đất biến động không đồng đều giữa các địa phương. Nếu thị trường bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội có biến động mạnh thì thị trường bất động sản ở các TP khác không có biến động đáng kể. Ngay cả sự biến động của thị trường bất động sản của TP.HCM và Hà Nội cũng khác nhau. Như ở khu vực Hà Nội, thời điểm quý II-2010 giá đất nền tăng trung bình 30% so với cuối năm 2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây TP (quận Hà Đông, huyện Hoài Đức). Trong khi đó, giá đất nền, căn hộ chung cư tại TP.HCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.

Đáng chú ý, các dự án bất động sản vẫn chậm thực hiện dù cơ chế đã được tháo gỡ, làm giảm khả năng cung hàng hóa cho thị trường.Theo báo cáo của TP.HCM, diện tích nhà ở xây mới trong năm 2009 chỉ đạt 4,05 triệu m2, thấp hơn nhiều so với bình quân khoảng 6 triệu m2/năm trong năm 2007 và năm 2008. Tại Hà Nội rất ít dự án khu đô thị mới có quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm do phải rà soát lại khi triển khai lập đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng.


Giá bất động sản ở TP.Hà Nội và TP.HCM quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân và cũng vượt quá xa giá trị thực. Ảnh: HTD

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều bất ổn trên thị trường bất động sản: Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo tin đồn còn diễn ra phổ biến; chủ đầu tư giao nhà chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng.

Tăng cung cho thị trường

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị cần rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Đặc biệt, cần quy định rõ hơn các hình thức huy động vốn trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Cùng đó, sớm giải quyết các vướng mắc có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất khi thực hiện Nghị định 69, nhất là đối với các dự án tại khu vực TP.HCM.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các chính sách tài chính tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường bất động sản nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng. Về lâu dài cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản.

Miền Nam: Căn hộ giá trung bình chiếm ưu thế

Theo báo cáo của Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam, đến nay đã có 46 dự án với tổng số 8.550 căn hộ có giá khoảng 17 triệu đồng/m2 trở xuống được triển khai tại quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Tân Phú. Phân khúc căn hộ hạng trung đang được xem là đầu kéo cho thị trường nhưng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng phải bán giá mềm hơn trước đây để thu hút khách.

Về đất nền, trong khi thị trường tại TP.HCM đang rơi vào cảnh chợ chiều thì thị trường Đồng Nai, Bình Dương và Long An có nhiều chuyển động nhờ “ăn theo” hạ tầng của những khu vực này. Gần đây, một lượng nhà đầu tư miền Bắc “đổ bộ” vào gom hàng tại các địa phương này khiến dư luận đặt ra hai lý giải: hoặc là do sự năng động của nhà đầu tư miền Bắc, hoặc thị trường tại các địa phương này vẫn còn chứng tỏ được sức hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị trường bất động sản tỏ ra lo ngại tính bền vững của việc đầu tư này vì đã có những khuyến cáo về sự xuất hiện của nhiều khu đô thị bỏ hoang.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP