Trong thời điểm này, giá đất nền và căn hộ ở một số đô thị lớn đã giảm tới 60% so với cuối năm 2007 và vài tháng đầu năm 2008.
Trong thời điểm này, giá đất nền và căn hộ ở một số đô thị lớn đã giảm tới 60% so với cuối năm 2007 và vài tháng đầu năm 2008.
Tuy nhiên, nhìn chung, giá nhà đất ở Việt Nam vẫn ở mức quá cao so với thu nhập của người dân. Có được nhà riêng vẫn là mơ ước vượt quá tầm với của đa số người dân đô thị.
16 năm tiết kiệm…
Theo Công ty Tư vấn, quản lý bất động sản CBRE, hiện có tới 80% người Việt Nam có nhu cầu nhưng không mua được nhà ở. Đặc biệt, từ khi hệ thống ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản thì việc mua nhà của những gia đình có thu nhập thấp càng trở nên khó khăn hơn.
Theo một cuộc khảo sát mới đây trên VnEconomy, ước tính khoảng 27% người có nhu cầu nhà ở chỉ đủ tiền mua một căn hộ dưới 300 triệu đồng.
Trong khi đó, ngay tại thị trường Hà Nội mở rộng, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đất liền kề tại các khu vực đô thị mới Văn Khê, Văn Phú là 16 triệu đồng/m2, chung cư là 10 triệu đồng/m2, dự án An Khánh với các biệt thự 300-500m2 có giá khoảng 18 triệu đồng/m2.
Xa hơn, huyện Đan Phượng, ven đường 32, giá đất hiện tới trên 20 triệu đồng/m2... Còn ở Hà Nội cũ, giá một căn hộ ở khu đô thị mới với diện tích 60-70m2 ít nhất cũng có giá khoảng 1,2 tỷ đồng, tại khu chung cư cũ giá khoảng 700 triệu đồng trở lên.
Tính ra, nếu một cặp vợ chồng mỗi tháng dành dụm được khoảng 5 triệu đồng để mua nhà thì phải sau hơn 16 năm, họ mới có thể mua một căn nhà trị giá 1 tỷ đồng để ở. Đấy là tính với mức giá hiện thời, chứ trong tương lai thì chưa thể nói trước được.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, giá bất động sản cao không phù hợp với thu nhập xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cải thiện chỗ ở của phần lớn người thu nhập thấp, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp.
Nguyên dân cơ bản dẫn đến thực trạng này là do thị trường đang vẫn thiếu nguồn cung. Mặc dù hàng năm, số lượng nhà ở được xây dựng mới tại các đô thị là rất lớn nhưng đến nay cung cầu về nhà, đất vẫn luôn ở tình trạng mất cân đối cả về số lượng lẫn chủng loại.
Ông Phạm Khánh Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Xây dựng cho biết, trong 5 năm qua, quỹ nhà ở khu vực đô thị bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 17,5 triệu m2. Trong đó quỹ nhà do các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản tham gia xây dựng chiếm khoảng 25% (Hà Nội mỗi năm phát triển thêm được khoảng 1,2 triệu m2, Tp.HCM là 3,5 triệu m2). Tỉ lệ tăng trưởng nhà ở đô thị bình quân hàng năm đạt trên 15%.
Năm 2008, lần đầu tiên chỉ tiêu xây dựng nhà ở được xác định là chỉ tiêu xã hội chủ yếu của quốc gia. Bình quân nhà ở hiện nay là khoảng 10,7m2/người, phấn đấu năm 2010 đạt 14,5m2/người. Hiện nay, tổng quỹ nhà ở của Việt Nam vào khoảng 926 triệu m2, dự báo năm 2010 là 1,27 tỉ m2. Như vậy, để đạt được con số này chỉ trong hơn 1 năm nữa, chúng ta phải xây mới trên 100 triệu m2 nhà ở!?
Cần tăng cung nhà ở
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với các chính sách cởi mở của Nhà nước như người dân được mua nhà ở tại các đô thị mà không cần hộ khẩu, dự kiến mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà và cho phép thực hiện thí điểm người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam... đang làm tăng nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn.
Ông Nguyễn Trung Vũ, Giám đốc Công ty Bất động sản Century cho rằng, cần điều chỉnh hợp lý cung - cầu trên thị trường bất động sản bằng việc tăng cung cho thị trường này.
Việc tăng cung ở đây phải là các đại dự án, không nên tăng cung bằng việc phát triển một vài tiểu dự án. Tăng cung là cần phải phát triển các thành phố vệ tinh, ở đó có trường học, có bệnh viện, có công viên, có trụ sở làm việc, có trung tâm mua sắm, có cơ sở hạ tầng tốt...
Nói chung là phải có đầy đủ liên quan đến hoạt động của con người và như vậy người dân sống ở khu vực đó sẽ không cần phải vào trung tâm, không cần phải di chuyển quá nhiều.
Còn ông Trương Thái Sơn, Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân thì đưa ý kiến: trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, các cấp chính quyền cần quy hoạch quỹ đất xã hội cho dân nghèo, đồng thời có sự hỗ trợ đặt biệt về tài chính - tín dụng để người dân có thể xây, mua hoặc thuê nhà ở. Để thị trường bất động sản phát triển cần có một thị trường tài chính - tiền tệ hỗ trợ.
Hiện nay, ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản khiến doanh nghiệp và cả người dân đều khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng dài hạn. Điều này cũng làm cho thị trường bất động sản chững lại và trong ngắn hạn thị trường sẽ thiếu nguồn cung.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định: thị trường bất động sản là một trong những thị trường trụ cột của nền kinh tế, tỉ lệ đóng góp vào GDP lớn. Thị trường này phát triển, kéo theo thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, nội thất... phát triển theo. Người ta nói, giá thị trường bất động sản tăng 1 đồng thì các thị trường khác tăng 2 đồng.
Ở nhiều nước, số tiền ngân hàng cho vay để phát triển thị trường bất động sản chiếm khoảng 30% tổng vốn cho vay. Nếu thị trường này đóng băng thì làm ứ đọng một lượng vốn lớn, ngân hàng thiếu khách hàng, rồi xảy ra tình trạng nợ đọng, nợ xấu... ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ cũng như đến nền kinh tế của đất nước. Do đó rất cần vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng vừa ra quyết định thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập đề án phát triển thị trường bất động sản để nghiên cứu, soạn thảo đề án này theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dự kiến, đề án “Phát triển thị trường bất động sản” sẽ được trình Bộ Chính trị trong quý 1/2009. Hy vọng khi đề án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh với đa dạng nguồn cung, vừa giúp ổn định xã hội vừa tạo sự cân bằng các cán cân kinh tế vĩ mô khác.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy