Khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, giá đất ở Hà Nội không ngừng tăng chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên tới 130 triệu đồng một m2. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là dấu hiệu của nạn "bong bóng" và sẽ nhanh chóng vỡ.
Mỗi m2 đất có giá... 130 triệu đồng
Theo giới kinh doanh bất động sản, mức giá “cắt cổ” nhất hiện nay phải kể đến đất ở khu vực quận Tây Hồ và một số “điểm nóng” trên trục đường Láng - Hòa Lạc.
Chị Diệp, một người dân sống ở khu đô thị mới Xuân La trên đường Xuân La, quận Tây Hồ, cho biết, cách đây một tháng, một người hàng xóm của chị đã bán căn nhà có diện tích 100 m2 với giá 130 triệu đồng một m2. Hiện cũng ở khu vực đó, giá đất tiếp tục tăng "nóng". Chị Diệp cho biết thêm, một nhà dân khác đang rao bán với giá lên tới 150 triệu đồng mỗi m2.
Cách đây hai hôm, anh Chung, nhà ở đường Trúc Khê, chủ một căn biệt thự đang xây thô bốn tầng có diện tích 100 m2 ở khu đô thị Xuân La, cũng rao bán với giá 11,5 tỷ đồng. Tính ra mỗi m2 có giá “ngất ngưởng” 115 triệu đồng nhưng anh Chung vẫn cho rằng, mức này vẫn còn... quá thấp so với mặt bằng chung, vì cần tiền gấp có việc nên anh mới bán hời.
Khu đô thị Ciputra quanh mạn Tây Hồ giá cũng tăng rất mạnh, hiện gần chạm mức 100 triệu đồng mỗi m2.
Theo anh Hiệp, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Bất động sản Trọng Da, ngoài Hồ Tây, đất ở khu vực Láng - Hòa Lạc cũng đang “sốt đùng đùng”. Khu vực gần Đài phát thanh xã Trung Văn cách đây hai tháng giá chỉ 45 triệu đồng một m2, bây giờ vọt lên 80 triệu đồng. Một số vị trí đẹp khác trên trục đường này giá còn lên tới gần 100 triệu đồng. Một phần nguyên nhân giá đất ở khu vực này tăng nóng là do trục đường này phải hoàn thành sớm để kịp chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn nữa sau này đây sẽ là trục đường chiến lược của Thủ đô.
Nằm trong danh sách khu đất có mức tăng giá trên dưới 50% còn phải kể đến đất dự án Geleximco khu C, D trên đường Lê Trọng Tấn mới. Con đường này đang chuẩn bị thông xe. Trong vòng hơn một tháng trở lại đây, đất khu vực này đã tăng giá từ 42 triệu đồng lên 65 - 70 triệu đồng mỗi m2 ở vị trí mặt đường chính. Đất khu vực Gia Lâm tuy đang rẻ hơn nhiều nơi khác nhưng mức tăng giá cũng không kém phần chóng mặt, từ 15 đến 18 triệu đồng lên 25 - 27 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí.
Tại khu vực Pháp Vân, Ngọc Hồi, gần chợ Lĩnh Nam hay xa Hà Nội hơn chút nữa là Mê Linh, giá đất cũng đang “nóng” theo thời tiết. Hiện đất ở Pháp Vân đã tăng từ 18 triệu lên 25 - 30 triệu đồng một m2, đất Ngọc Hồi tăng từ 15 triệu lên 21 triệu đồng.
Theo anh Hiệp, bây giờ những người có tiền còn tìm về tận Mê Linh hay Ba Vì mua đất để đầu cơ hoặc để sau này xây biệt thự nghỉ dưỡng. Trước đây, mỗi m2 đất vườn tại Mê Linh có giá không đến 5 triệu đồng, nay đã vọt lên 11 - 15 triệu đồng một m2 đất liền kề, còn đất biệt thự là 9,5 - 12 triệu đồng.
Việc giá vàng tăng mạnh vài tuần nay cũng là một phần nguyên nhân tiếp tay cho giá nhà đất tăng vù vù. Nhiều người, trong đó chủ yếu là người dân, vẫn có thói quen quy nhà đất ra vàng để bán. Anh C., một người dân sống trong ngõ 240 Kim Giang kể, gần nhà anh có một ngôi nhà liền kề diện tích 30 m2, ba tầng đang rao bán với giá 1,68 tỷ đồng. Ngôi nhà này được mua vào cuối năm 2007 với giá 60 cây vàng, tương đương 720 triệu đồng (giá vàng khi đó ở mức 12 triệu đồng một lượng). Nay giá vàng lên 28 triệu đồng, tính ra 60 cây là hơn 1,6 tỷ.
Liệu có "bong bóng"?
Việc giá đất ồ ạt tăng nhưng lượng giao dịch không mấy nổi bật khiến không ít người lo ngại nhiều khả năng giá đất đang tăng ảo. Theo một nhân viên kinh doanh tại Công ty CP Bất động sản Hà Nội Vàng, thời điểm này, khách đến chủ yếu xem giá cả và tìm hiểu một số khu đất chứ không mấy người đặt mua ngay. Cá biệt, khu vực đất biệt thự Vườn Đào ở gần Hồ Tây tuy lên tới 100 - 130 triệu đồng một m2 nhưng vẫn có đại gia đặt mua. “Họ mua để ở hay đầu cơ thì tôi không biết. Tuy nhiên, phần lớn những người có nhu cầu nhà ở thực sự không dám mạnh tay mua vào lúc này mà đang nghe ngóng tính hình”.
Tuy nhiều khu đất được giới kinh doanh, môi giới bất động sản báo giá cao ngất nhưng khi truy cập các website mua bán nhà đất do chính chủ rao bán, có không ít khu giá mềm hơn “tin đồn” khá nhiều.
Trên website timnhadat.org, anh Nguyễn Trung Thông ở Thanh Xuân, Hà Nội đang rao bán khu đất ở đường Xuân La có diện tích 93 m2, sổ đỏ chính chủ với giá chỉ 65 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó, dân môi giới bất động sản báo giá cho khách lên tới 120 - 130 triệu đồng. Anh Thông cho biết: “Trước đó thấy nhiều nhà rao bán đất với giá cao quá, cả tháng cũng không thấy ai hỏi mua, chỉ có “cò” nhà đất qua lại cò kè bớt giá. Thế nên tôi cứ tính giá trị thực mà bán”.
Anh Nguyễn Tiến Phú nhà ở đường Nguyễn Thị Định đang rao bán căn hộ G2 Ciputra nhìn ra Hồ Tây, diện tích mặt bằng 119 m2 với giá 2.100 USD mỗi m2, quy ra chỉ 40 triệu đồng. Trong khi đó, dân đầu cơ nhà đất bằng nhiều phương cách như báo giá, tung tin đã đẩy giá căn hộ ở đây lên không dưới 50 triệu đồng mỗi m2.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: "
Giá nhà đất Hà Nội sốt thời điểm này có nhiều biểu hiện cục bộ và tạm thời". Ông Thành phân tích, có một số nơi là giá tăng hợp lý theo biến động giá cả thị trường. Nhưng một số khu vực như quận Tây Hồ hay Gia Lâm, Láng - Hòa Lạc, có dấu hiệu đẩy giá và thời vụ do nhiều yếu tố tác động như giá vàng tăng, nhiều công trình phải gấp rút hoàn thành chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tin đồn xây công viên, đường xá, lạm phát có nguy cơ tăng cao…
Một chuyên gia bất động sản khác cũng thừa nhận, thị trường đang có dấu hiệu của nạn "bong bóng" và sẽ nhanh chóng hạ "nhiệt" trong ngắn hạn. Vì vậy, vị này khuyến cáo, những người có nhu cầu thật sự cần cẩn trọng khi mua nhà đất thời điểm này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt